Mất tiền oan mùa tốt nghiệp khi tìm mua 'đề thi thật'

20/05/2025 10:18:15

Cơ quan chức năng mới đây đã phát đi thông tin cảnh báo về sự xuất hiện của một số đối tượng lợi dụng mùa thi để rao bán 'đề thi thật', “đáp án chính xác 100%”,... nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Thời điểm diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2025 đang ngày càng đến gần khiến các em học sinh và phụ huynh vô cùng căng thẳng. Nắm được tâm lý này, thời gian gần đây trên các nền tảng mạng xã hội đã xuất hiện nhiều chiêu trò tinh vi nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Hiện cơ quan Công an đã phát hiện một số thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên không gian mạng mà các đối tượng đã và đang sử dụng trong mùa thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2025 như: Rao bán "đề thi thật", “đáp án chính xác 100%”; mở các khóa ôn thi, luyện thi trực tuyến “ma”; lừa đảo “nâng điểm”, “chạy suất” vào đại học; giả danh cán bộ giáo dục, nhân viên trường học “hỗ trợ” làm hồ sơ, phúc khảo…

Mất tiền oan mùa tốt nghiệp khi tìm mua 'đề thi thật'

Cụ thể, với thủ đoạn lừa đảo rao bán “đề thi thật”, “đáp án chính xác 100%” xuất hiện trên hội nhóm mạng xã hội thường quảng cáo: “có nguồn đề thi THPT 2025 tuồn ra ngoài”, “đáp án chuẩn từng câu”, “phao thi VIP đảm bảo điểm cao”. Nhiều học sinh do áp lực điểm số, muốn “đi đường tắt” đã không ngần ngại chi vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng để mua. Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản, các đối tượng này thường chặn liên lạc, biến mất hoặc gửi lại những tài liệu vô giá trị, thậm chí là đề thi của các năm trước.

Đối với thủ đoạn lừa đảo thông qua các khóa ôn thi, luyện thi trực tuyến “ma”, các đối tượng lừa đảo lôi kéo học sinh đăng ký học bằng những lời quảng cáo, như: “Cam kết đỗ 100%”, “bao điểm sàn trường TOP”, “chuyên gia luyện thi hàng đầu”… Thế nhưng, sau khi học sinh nộp tiền, đối tượng lừa đảo chỉ gửi một vài tài liệu sơ sài được sao chép từ nhiều nguồn, hoặc thậm chí không cung cấp bất kỳ tài liệu, lớp học nào và cắt đứt mọi liên lạc.

Nguy hiểm hơn là thủ đoạn lừa “nâng điểm”, “chạy suất” vào đại học, các đối tượng lừa đảo thường tự nhận có “mối quan hệ”, “người nhà” trong ngành giáo dục, có khả năng can thiệp “nâng điểm” bài thi hoặc “chạy” suất vào trường đại học mong muốn với chi phí có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Tất nhiên, đây chỉ là những lời hứa suông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, một thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng vẫn khiến nhiều người sập bẫy là việc giả danh cán bộ giáo dục, nhân viên trường học “hỗ trợ” làm hồ sơ, phúc khảo. Theo đó, các đối tượng lừa đảo tự xưng là cán bộ Sở GD&ĐT, nhân viên phòng tuyển sinh của trường đại học, cao đẳng… gọi điện thoại, gửi tin nhắn thông báo những lỗi sai sót “khẩn cấp” trong hồ sơ dự thi của học sinh; dọa dẫm về việc hồ sơ có thể bị loại và yêu cầu cung cấp ngay số Căn cước công dân, mã OTP ngân hàng hoặc chuyển một khoản tiền gọi là “lệ phí xử lý gấp”, “phí hoàn thiện hồ sơ”…

Trước tình trạng trên, cơ quan Công an khuyến cáo các bậc phụ huynh và các em học sinh tuyệt đối không tin vào các thông tin rao bán đề thi, đáp án "chuẩn 100%" hay các khoa học "bao đậu", cũng như việc "nâng điểm, "chạy suất" vào đại học,... được mời chào trên các nền tảng mạng xã hội.

Khi nhận được bất kỳ thông tin đáng ngờ nào (điện thoại, tin nhắn) thông báo những lỗi sai sót “khẩn cấp” trong hồ sơ dự thi, phụ huynh và học sinh cần liên hệ trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm, Ban Giám hiệu nhà trường để kiểm chứng.

Cơ quan chức năng khuyến cáo các học sinh, phụ huynh tuyệt đối không cung cấp số Căn cước công dân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai qua điện thoai, tin nhắn, email nếu chưa xác thực được danh tính và mục đích của họ.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất nếu phát hiện hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo để được hỗ trợ kịp thời.

Theo Thái An (SHTT)

Nổi bật