Tại một quán ăn ở Hà Đông (Hà Nội), ông Nguyễn Trọng (63 tuổi) làm việc từ 9 giờ sáng đến 10 giờ tối mỗi ngày với mức lương khoảng 7–8 triệu đồng/tháng. Dù gắn bó với công việc trông giữ xe cho khách gần nửa năm nhưng ông vẫn chưa được ký hợp đồng lao động như lời hứa ban đầu từ chủ quán.
Không hợp đồng cũng đồng nghĩa với việc không có bảo hiểm xã hội, không bảo hiểm y tế, không lương hưu và hoàn toàn không có điểm tựa nếu mất việc hay gặp rủi ro nghề nghiệp.
"Tôi từng bị bỏng nặng đến mức phải nằm viện khi chủ nhờ đun nước sôi để rửa dụng cụ. Do nền trơn trượt và không có găng tay bảo hộ, tôi bị trượt chân, nước sôi đổ thẳng vào tay và chân gây bỏng nặng. Nhưng tôi chỉ nhận được khoản hỗ trợ rất nhỏ. Chi phí điều trị và viện phí đều do tôi tự chi trả, tiêu hết số tiền dành dụm suốt cả năm", ông Trọng nói.
Dù hiểu rõ những rủi ro khi làm việc không hợp đồng nhưng ông Trọng vẫn lựa chọn tiếp tục công việc để kiếm thêm thu nhập phụ giúp con cái vì ở tuổi này, không còn nhiều lựa chọn.
Theo ông Trọng, phần lớn các đơn vị tuyển dụng hiện nay chỉ muốn ký hợp đồng dài hạn từ 2–3 năm, điều mà những người cao tuổi như ông khó có thể đáp ứng.
Cùng hoàn cảnh, gần 10 năm nay, vợ chồng bà Thoả (55 tuổi) từ Nam Định lên Hà Nội mưu sinh với mong muốn có thêm thu nhập, bớt phụ thuộc vào con cái. Bà Thoả vẫn đều đặn nhận các công việc dọn vệ sinh theo thời vụ – mỗi tháng làm tại 2–3 nhà, mỗi nhà kéo dài 4–5/lần/tháng dù chưa từng được ký bất kỳ bản hợp đồng nào.
Theo bà Thoả, công việc dọn vệ sinh theo giờ tưởng đều đặn nhưng thực chất rất bấp bênh. Chỉ cần chủ nhà tìm được người khác rẻ hơn, bà có thể bị cho nghỉ bất cứ lúc nào. Thu nhập của bà sẽ giảm đến một phần ba, trong khi sức khỏe ngày càng yếu.
Thiếu việc, thiếu tiền, hai vợ chồng đành rong ruổi khắp phố nhặt ve chai, bán đồng nát kiếm từng đồng lẻ để duy trì cuộc sống.
Bên cạnh đó, nhiều sinh viên phải đi làm thêm để trang trải chi phí học tập nhưng lại rơi vào tình cảnh làm việc không hợp đồng, không được bảo vệ quyền lợi lao động.
Hoàng Tươi, sinh viên năm hai tại một trường đại học ở Hà Nội đang làm phục vụ tại một quán ăn ở quận Hà Đông. Dù đã gắn bó 7 tháng, mỗi ngày làm 3 – 4 tiếng nhưng Tươi chưa từng ký bất kỳ hợp đồng lao động nào. “Lúc nhận việc, chủ quán chỉ trao đổi qua miệng và nhắn tin. Thử việc 3 ngày, lương khởi điểm 18.000 đồng/giờ, tuỳ vào sếp mới có thể tăng lương lên 20.000 đồng/giờ”, Tươi kể.
Thêm vào đó, Tươi từng đối mặt với những rủi ro khi không có hợp đồng bảo vệ quyền lợi như chậm lương, bị giữ lương vô lý hay thậm chí là cho nghỉ việc đột ngột mà không được báo trước.
Theo Tươi, nguyên nhân của vấn đề trên là do người thuê không muốn chịu trách nhiệm pháp lý trong khi người làm lại lo lắng mất cơ hội việc làm nếu đòi hỏi quá nhiều.
Thêm vào đó, lý do chính khiến cô gái không ký hợp đồng là sự thiếu kiến thức về quyền lợi chính đáng, lâu dài của bản thân. Dù vậy, Tươi vẫn chấp nhận làm vì công việc này mang lại cho cô thu nhập ổn định trong thời gian ngắn, giúp cô trang trải các chi phí học tập và sinh hoạt.
Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia - Cục Thống Kê (Bộ tài chính) về tình hình lao động, việc làm quý IV và năm 2024, số lao động có việc làm phi chính thức chung trong quý IV/2024 là 33,2 triệu người, chiếm 63,6% trong tổng số lao động có việc làm, dù giảm 0,3 điểm phần trăm so với quý trước, nhưng vẫn neo ở mức cao.
Khái niệm về lao động phi chính thức được hiểu là những lao động có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, không có hợp đồng lao động hoặc có, nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác.
Người lao động cần biết cách tự bảo vệ mình
Về vấn đề nhiều lao động làm việc không hợp đồng, không được bảo vệ quyền lợi, luật sư Hoàng Văn Hà, Công ty luật ARC Hà Nội (HNLAW) cho biết, theo quy định tại Điều 14 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng lao động bắt buộc phải được giao kết bằng văn bản, trừ một số trường hợp đặc biệt có thể giao kết bằng lời nói (ví dụ: hợp đồng có thời hạn dưới 1 tháng, trừ một số trường hợp bắt buộc phải lập thành văn bản).
Việc người sử dụng lao động không ký hợp đồng lao động là vi phạm pháp luật và khiến người lao động mất cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi khi có tranh chấp.
Theo luật sư Hà, dù không có hợp đồng lao động bằng văn bản, người lao động vẫn có quyền khởi kiện hoặc khiếu nại nếu chứng minh được rằng mối quan hệ lao động thực sự tồn tại.
Người lao động sẽ phải tự mình chứng minh thông qua các bằng chứng gián tiếp như: Tin nhắn, email giao việc, bảng chấm công, phiếu lương, sao kê ngân hàng, hình ảnh tại nơi làm việc, lời khai của đồng nghiệp…
Về phía doanh nghiệp, luật sư Hà cho biết người sử dụng lao động nếu cố tình không ký kết hợp đồng hoặc né tránh trách nhiệm lập văn bản dù biết là bắt buộc, sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt có thể lên đến 50 triệu đồng tùy theo số lượng người lao động bị vi phạm.
Theo ông Hà, để khắc phục tình trạng trên, cần đồng bộ nhiều giải pháp từ Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt ở các lĩnh vực có nhiều lao động thời vụ như dịch vụ, bán lẻ, xây dựng.
Bên cạnh đó, ông Hà khuyến khích thiết lập “Cổng thông tin việc làm an toàn”, nơi người lao động có thể tra cứu, xác thực mức độ tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, cần có cơ chế hỗ trợ pháp lý miễn phí hoặc giảm phí cho người lao động yếu thế khi khởi kiện về tranh chấp lao động.
Đồng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật khuyến nghị, người lao động cần chủ động đề nghị ký kết hợp đồng bằng văn bản, đặc biệt khi thời hạn làm việc kéo dài trên 1 tháng. Lưu giữ toàn bộ thông tin trao đổi công việc, kể cả tin nhắn, email, biên nhận, ảnh chụp, video liên quan.
Trường hợp bị từ chối ký hợp đồng hoặc cảm thấy quyền lợi bị xâm phạm, người lao động nên liên hệ các cơ quan bảo vệ người lao động như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ chức công đoàn hoặc trung tâm hỗ trợ pháp lý miễn phí.
Lưu ý, người lao động cần tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp, công ty tuyển dụng, thông qua đánh giá từ người từng làm việc, các trang phản hồi cộng đồng hoặc mã số thuế doanh nghiệp.
Theo ông Bình, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, các cơ quan liên quan cũng cần đẩy mạnh truyền thông, phổ biến pháp luật về hợp đồng lao động qua báo chí, mạng xã hội, trường học và khu công nghiệp.