Sáng 23-1, phiên sơ thẩm xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục ngày làm việc thứ chín với phần tranh luận về tội danh của các bị cáo, trong đó có Bùi Mạnh Quốc (giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh).
Đáng chú ý, khi được HĐXX hỏi có tranh luận gì không, bị cáo Hoàng Công Lương (cựu bác sĩ khoa Hồi sức tích cực) đã phản ứng với một luật sư (LS) khi bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc. Theo đó, vị LS này có đề cập việc Lương chưa lần nào xin lỗi đến các gia đình nạn nhân.
“Điều này là xúc phạm đến bị cáo” – Lương nói và cho biết ngay trong phiên sơ thẩm lần một, bị cáo đã gửi lời xin lỗi đến các gia đình và khẳng định điều đau đớn nhất là không cứu chữa được tất cả bệnh nhân.
“Còn việc bị cáo có lỗi hay không thì phiên sơ thẩm lần một chưa thể xác định, do đó mới có phiên sơ thẩm lần này” – Lương nói tiếp rồi quay về khu vực ngồi của bị cáo.
Chưa làm xong nên không thể nói có tồn dư hóa chất?
Tại bản luận tội, Bùi Mạnh Quốc bị VKS đề nghị tuyên phạt từ 4-5 năm tù về tội vô ý làm chết người. Cơ quan công tố cáo buộc Quốc là người trực tiếp sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 vào ngày 28-5-2017. Trong quá trình sửa chữa, Quốc tự ý thay thế vật liệu lọc, dùng hỗn hợp chất HF và HCL, đây là hoá chất chưa được Bộ Y tế thẩm định để sục rửa màng lọc.
Ngày 29-5-2017, khi chưa lấy mẫu nước đi xét nghiệm, Quốc vẫn mặc cho các bác sĩ đưa máy chạy thận ở đơn nguyên vào vận hành dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bào chữa cho Bùi Mạnh Quốc, LS Giang Văn Quyết cho rằng cáo buộc của VKS nói thân chủ mình để lại tồn dư hóa chất là không phù hợp. Bởi trên thực tế, Quốc chưa làm xong công việc của mình; giả sử làm xong mà vẫn để tồn dư thì mới có thể quy kết được.
“Sau khi sửa chữa xong, Quốc không thể dùng lưỡi hay tay để xác định còn tồn dư hóa chất hay không mà phải mang mẫu nước đi xét nghiệm. Vì chưa sửa xong nên không thể đảm bảo an toàn được” – LS này nói.
Người bào chữa cho Quốc thừa nhận thân chủ của mình chưa can ngăn quyết liệt khi thấy đơn nguyên thận nhân tạo đưa hệ thống vào vận hành khi chưa có kết quả xét nghiệm nước. Tuy nhiên, ông phản đối khi VKS xác định Quốc có vai trò lớn nhất, bởi nếu không có việc ra quyết định vận hành hệ thống lọc máu khi chưa có kết quả xét nghiệm thì sự cố đã không xảy ra.
Đối với cáo buộc về việc sử dụng HF và HCL, LS Quyết cho rằng Quốc không sử dụng hóa chất cấm, còn việc đưa vào danh mục hay không là trách nhiệm của Bộ Y tế. Quốc sử dụng hai hóa chất này để vệ sinh không chỉ riêng tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình mà còn ở nhiều BV khác.
Cũng theo LS này, Bộ Y tế chỉ xác định hai hóa chất mà Quốc dùng chưa được cho phép sử dụng đối với trang thiết bị y tế, thế nhưng Thông tư số 14 của bộ này quy định về danh mục các loại trang thiết bị y tế thì lại không có hệ thống RO mà chỉ có máy chạy thận.
13 năm kinh nghiệm chưa thấy có văn bản nào cấm
Đồng quan điểm với LS của mình, Bùi Mạnh Quốc đề nghị được tranh luận rõ với đại diện VKS về việc thiết bị RO có phải là trang thiết bị y tế hay không?
Quốc nói từ trước đến nay đều xác định hệ thống RO không phải là trang thiết bị y tế. Cùng với đó, bị cáo luôn lăn tăn rằng HF và HCL có phải là chất cấm không, bởi trong quá trình 13 năm kinh nghiệm thì chưa có văn bản nào cấm sử dụng.
Dù vậy, Quốc nhận lỗi về việc không ngăn cản các bác sĩ, điều dưỡng viên của đơn nguyên thận nhân tạo khi đưa hệ thống lọc máu vào hoạt động mà chưa có kết quả xét nghiệm nguồn nước.
“Bị cáo chưa bao giờ cẩu thả cho việc vệ sinh, sục rửa, tẩy cặn màng RO. Khi làm bị cáo dựa vào chỉ số của đồng hồ đo độ dẫn điện. Vụ việc xảy ra trong ngày 29-5, bị cáo không phải đổ tội cho ai nhưng có thể do đồng hồ dẫn điện sai số, mong HĐXX xem xét và đánh giá khách quan nhất” – Quốc nói.
Đối đáp lại, đại diện VKS cho rằng sáng ngày xảy ra sự cố, Quốc thấy đơn nguyên vận hành thì phải ngăn cản, bởi hơn ai hết bị cáo hiểu rằng nguồn nước chưa xét nghiệm thì không thể đảm bảo an toàn. Chính việc không ngăn cản cùng với tồn dư hóa chất do Quốc là người trực tiếp sửa chữa và sử dụng đã dẫn tới hậu quả, do vậy trách nhiệm của Quốc phải là lớn nhất.
Đại diện VKS cũng khẳng định cáo trạng không xác định hóa chất mà Quốc sử dụng là chất bị cấm mà chỉ nói Bộ Y tế chưa cấp phép để sử dụng đối với trang thiết bị y tế. Việc sử dụng hóa chất HF và HCL là một trong những cáo buộc của VKS đối với Quốc, nhưng mấu chốt cuối cùng là việc Quốc không ngăn cản khi thấy hệ thống RO vận hành mà chưa có kết quả xét nghiệm...
Theo Tuyến Phan (Pháp Luật TP.HCM)