Luật sư: Không có căn cứ truy tố Giám đốc Bệnh viện Hòa Bình

23/01/2019 08:05:34

Cựu giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình cho rằng VKS áp dụng cơ chế có từ 20 năm để luận tội các bị cáo.

Ngày 22/1, phiên xét xử Hoàng Công Lương và 6 người khác liên quan sự cố chạy thận ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình bắt đầu phần tranh luận sau 7 ngày xét hỏi.

Là người tranh luận đầu tiên, nguyên giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương "nhận có trách nhiệm người đứng đầu" song cho hay "không nói oan hay không". Theo bị cáo Dương, căn cứ luận tội đại diện VKS nêu ra hoàn toàn có lý, tuy nhiên việc viện dẫn cơ chế quá cũ từ hơn 20 năm để áp dụng vào vụ án hy hữu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới là chưa thoả đáng. Thừa nhận không thể né tránh pháp luật song ông Dương mong HĐXX lấy tính chất đặc thù trong ngành y để xem xét khách quan.

Bào chữa cho bị cáo Dương sau đó, luật sư Huỳnh Phương Nam cho rằng, VKS truy tố thân chủ tội thiếu trách nhiệm là chưa đủ căn cứ. Bệnh viện có quy chế và phân cấp lãnh đạo cụ thể nên người đứng đầu không thể quản lý, giám sát hết các bộ phận, phòng ban.

Hàng năm Sở Y tế cũng kiểm tra định kỳ và đều không có ý kiến về cơ cấu tổ chức cũng như quy trình lọc máu chạy thận tại bệnh viện. "Khó có thể chấp nhận khi thân chủ của ông phải chịu trách nhiệm do lỗi cẩu thả của người khác", luật sư nói.

Về việc thành lập đơn nguyên lọc máu, luật sư Nam cho rằng Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình có đủ điều kiện thực nghiệm, có quyền sắp xếp và thực hiện kỹ thuật lọc máu tại cơ sở. Kỹ thuật lọc máu đã được Sở Y tế phê duyệt và việc thành lập đơn nguyên hoàn toàn thuộc thẩm quyền của giám đốc bệnh viện.

Luật sư: Không có căn cứ truy tố Giám đốc Bệnh viện Hòa Bình
Giám đốc Trương Quý Dương. Ảnh: Phạm Dự.

Đại diện VKS sau đó đối đáp rằng, không khẳng định đơn nguyên thận nhân tạo thành lập sai quy định. Nhưng dù thành lập bằng hình thức nào đều phải hoạt động tuân theo quy định của khoa lọc máu. Bệnh viện phải bố trí kỹ thuật viên và kỹ sư để kiểm tra chất lượng nước trước, trong và sau chạy thận.

Tuy nhiên, ông Dương không bố trí kỹ sư, kỹ thuật viên và cũng không phân công nhiệm vụ cho bác sĩ, điều dưỡng nào phụ trách làm kỹ thuật viên để kiểm tra chất lượng nguồn nước. Ông Dương phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của bệnh viện song đã buông lỏng quản lý để cấp dưới xảy ra sai phạm trong thời gian dài.

Với vai trò là người đứng đầu, ông Dương cũng không xây dựng quy trình vận hành hệ thống RO, không giao cho ai quản lý hệ thống này và hàng năm không tổ chức kiểm tra hệ thống. Từ năm 2014, ông không bố trí người phụ trách đơn nguyên lọc máu dẫn đến sự không rõ ràng về nhân sự ở đơn nguyên này.

Viện dẫn quy chế bệnh viện, công tố viên cho hay, trách nhiệm bố trí nhân lực cho phù hợp thuộc nhiệm vụ của giám đốc. Ông Dương có thể không làm nhưng buộc phải giao cho cấp dưới thực hiện. Tuy nhiên ông Dương có phân công nhưng không kiểm tra, giám sát nên đây bị xác định là hành vi buông lỏng quản lý.

Trưởng khoa phải chịu trách nhiệm về nguồn nước

Trong phần tranh luận đầu giờ chiều 22/1, vấn đề chịu trách nhiệm về nguồn nước của bị cáo Hoàng Đình Khiếu (nguyên trưởng khoa hồi sức tích cực) được luật sư và đại diện VKS "mổ xẻ". Đứng trước bục khai báo tự bào chữa, ông Khiếu cho rằng Bệnh viện đa khoa Hoà Bình không thành lập khoa lọc máu mà chỉ có đơn nguyên thận nhân tạo thuộc khoa hồi sức tích cực. Bởi vậy ông bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm nguồn nước RO trong chạy thận với vai trò là trưởng khoa lọc máu là không thoả đáng.

Từ khi thành lập đơn nguyên, ông cũng giao cho các nhân viên trong khoa phải có trách nhiệm với nguồn nước trong chạy thận. Theo quy định khi nào có sự cố phải báo cáo trưởng khoa để sửa chữa, bảo dưỡng song ông chưa nhận được báo cáo nào.

Bào chữa cho ông Khiếu, luật sư Việt Anh cho rằng cơ quan công tố không thể cáo buộc trưởng khoa hồi sức tích cực chịu trách nhiệm của trưởng khoa lọc máu, trong khi bệnh viện không có khoa và chức vụ này.

Theo luật sư, các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai cũng khẳng định trưởng khoa lọc máu máu chỉ nhận nguồn nước từ phòng vật tư cung cấp, đồng nghĩa nguồn nước này đảm bảo an toàn. "Vậy trách nhiệm với nguồn nước của ông Khiếu ở đây là gì?", luật sư Việt Anh đặt câu hỏi.

Luật sư: Không có căn cứ truy tố Giám đốc Bệnh viện Hòa Bình - 1
Kiểm sát viên tại toà. Ảnh: Phạm Dự.

Đối đáp ngay sau đó, đại diện VKS cho hay, trách nhiệm nguồn nước thuộc về trưởng khoa nhưng ông Khiếu chưa phân công nhiệm vụ cho ai. Ông Khiếu cũng không tham mưu với lãnh đạo bệnh viện bố trí nhân lực để mặc hàng ngày, điều dưỡng nào đến trước sẽ khởi động hệ thống lọc nước RO.

Trước việc luật sư cho rằng cấp dưới chưa báo cáo nên ông Khiếu không nắm được tình hình, VKS phản bác rằng, trách nhiệm của ông Khiếu phải tự kiểm tra nhưng đã không làm tròn trách nhiệm.

Viện dẫn công văn của Bộ Y tế và ý kiến của các chuyên gia, công tố viên cho hay, Bệnh viện Hoà Bình không có khoa lọc máu thì trưởng khoa lọc máu hoặc người được giao nhiệm vụ lọc máu phải chịu trách nhiệm của nguồn nước. Cụ thể, trưởng khoa Hoàng Đình Khiếu phải chịu trách nhiệm trực tiếp về nguồn nước.

Phiên tòa đang tiếp tục phần tranh tụng.

Ngày 29/5/2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường. 9 người tử vong. Cơ quan điều tra xác định nguyên nhân do nguồn nước chạy thận không đảm bảo.

Hoàng Công Lương (bác sĩ ra y lệnh chạy thận), Bùi Mạnh Quốc hiện bị xét xử về tội Vô ý làm chết người theo khoản 2 điều 98 Bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ ba đến 10 năm tù.

Bị cáo Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện), Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc bệnh viện), Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư), Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư) cùng Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 điều 285 Bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ ba đến 12 năm tù.

Theo Phạm Dự (VnExpress.net)

Nổi bật