Cuối giờ chiều 21-1, sau khi kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKSND TP Hòa Bình đã trình bày bản luận tội đối với các bị cáo trong vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, cơ quan công tố đề nghị HĐXX tuyên phạt Hoàng Công Lương (cựu bác sĩ khoa Hồi sức tích cực) 36-42 tháng tù; Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) 4-5 năm tù cùng về tội vô ý làm chết người.
Các bị cáo Trương Quý Dương (cựu Giám đốc BV) 30-36 tháng tù, Hoàng Đình Khiếu (cựu Phó giám đốc BV) 36-42 tháng tù, Trần Văn Thắng (cựu Trưởng phòng Vật tư) 36-42 tháng tù, Trần Văn Sơn (cựu cán bộ phòng Vật tư) 42-48 tháng tù và Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn) 36-42 tháng tù cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cuối giờ, Hoàng Công Lương không ra về ngay mà ngồi nán lại ít phút. Dường như mức án của VKS đề nghị đối với các bị cáo nói chung và với Lương nói riêng đã ít nhiều tác động đến tâm lý của cựu bác sĩ này.
Trả lời báo chí bên ngoài sân tòa, Lương cho biết vì lý do sức khỏe nên trong phần tranh luận sẽ ủy quyền cho luật sư để bào chữa cho mình.
“Đó mới chỉ là quan điểm của đại diện VKS, hiện tại thì tôi vẫn chưa có tội, quyết định có tội hay không là thẩm quyền của HĐXX” – bị cáo Lương nói.
Trước đó, trong phần luận tội của mình, đại diện VKS cho rằng tại đơn nguyên thận nhân tạo, bác sĩ Phạm Thị Huyền và bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh chưa được Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cấp chứng chỉ hành nghề chạy thận và chưa đủ điều kiện ra y lệnh độc lập, còn Lương có chứng chỉ hành nghề và có đủ điều kiện ra y lệch độc lập.
Do vậy, việc ra y lệnh của Lương có tính quyết định trong việc chạy thận ngày 29-5-2017. Lương là người ra y lệnh cuối cùng để đơn nguyên thận nhân tạo thực hiện việc lọc máu.
Với trình độ chuyên môn được đào tạo, bị cáo buộc phải biết tầm quan trọng của nước RO; biết trước, trong và sau khi lọc máu buộc phải kiểm tra chất lượng nước, kiểm tra hóa chất tồn dư; điều này phù hợp với công văn trả lời của Bộ Y tế.
Hơn thế, với vai trò là một BS điều trị có quyền ra y lệnh quyết định, đồng thời biết rõ có việc sửa chữa nhưng mới chỉ nghe điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp - người không có trách nhiệm về chất lượng nước, thông báo đã sửa chữa xong, bị cáo đã chủ quan ký xác nhận ra y lệnh khi chưa có căn cứ đảm bảo an toàn.
Cơ quan công tố cũng cáo buộc Lương biết phải chịu trách nhiệm về nguồn nước nhưng khi chỉ nghe điều dưỡng viên thông báo thì đã ra y lệnh chạy thận mà không báo cáo lãnh đạo. Việc chạy thận nhân tạo không phải trường hợp lọc máu cấp cứu, bên cạnh đó đơn nguyên có hai hệ thống lọc nước RO có thể chạy thay thế, nên đây không phải là tình thế cấp thiết.
Theo đại diện VKS, Lương hoàn toàn có quyền không cho các điều dưỡng viên thực hiện chạy thận cho các bệnh nhân. Hành vi của Lương là nguy hiểm, dẫn đến việc tiến hành lọc máu làm chín người chết.
Sáng nay, 22-1, phiên tòa sẽ bước vào phần tranh luận
Theo Tuyến Phan (Pháp Luật TP.HCM)