Sau mùa đông, đừng vội bật điều hoà mà bỏ qua bước quan trọng này: Vừa hại máy, vừa hại người

04/04/2024 14:09:15

Nhiều gia đình sẽ sử dụng điều hoà ngay vào những ngày nắng nóng mà bỏ qua thao tác quan trọng này.

Dù chưa chính thức bước sang thời điểm những tháng của mùa hè, song thủ đô Hà Nội đang trải qua đợt nắng nóng đầu tiên của năm nay. Theo dự báo thời tiết từ các ứng dụng điện tử cũng như từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn, nhiệt độ cao nhất trong ngày có thời điểm lên tới trên 35 độ C. Nắng gay gắt kèm theo thời tiết oi bức.

Cũng do thời tiết nóng bức, oi ả, gây khó chịu nên nhiều gia đình đã bắt đầu sử dụng điều hoà. Tuy nhiên, do vừa được "nghỉ đông" một thời gian dài, nên khi được sử dụng trở lại, điều hoà nên được thực hiện một công việc này. Đó chính là kiểm tra và vệ sinh thiết bị.

Sau mùa đông, đừng vội bật điều hoà mà bỏ qua bước quan trọng này: Vừa hại máy, vừa hại người
Trời nắng nóng, điều hoà bắt đầu được ưa chuộng sử dụng trở lại (Ảnh minh hoạ)

Nguyên nhân là bởi khi không được sử dụng trong thời gian dài, kéo dài từ 2-3 tháng, cả bên trong và ngoài thiết bị sẽ không tránh khỏi việc bị tồn đọng nhiều bụi bẩn. Các loại bụi bẩn này có thể theo đường khí lạnh ra ngoài, gây ảnh hưởng tới chất lượng không khí, không gian sống của gia đình cũng như tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khoẻ con người, đặc biệt là với những người có bệnh về đường hô hấp.

Bụi bẩn tích tụ nhiều, lâu ngày cũng có thể khiến điều hoà hoạt động kém hiệu quả, phát ra tiếng ồn lớn và tiêu tốn nhiều điện năng hơn. Chính vì vậy, theo khuyến cáo từ các chuyên gia, trước khi sử dụng điều hòa vào thời điểm nắng nóng này, tốt hơn hết người dùng nên vệ sinh thiết bị một cách kỹ càng, đặc biệt là bộ phận quan trọng như cánh, bộ trục của quạt, hay cục nóng, tấm lưới lọc của điều hòa.

Sau mùa đông, đừng vội bật điều hoà mà bỏ qua bước quan trọng này: Vừa hại máy, vừa hại người - 1
Điều hoà sau vài tháng "nghỉ đông" sẽ không tránh khỏi việc bám nhiều bụi bẩn (Ảnh minh hoạ)

Vệ sinh điều hoà như thế nào?

Việc vệ sinh điều hoà là công việc tương đối đơn giản, người dùng có thể tự thực hiện tại nhà. Hoặc với những gia đình không có kinh nghiệm, cũng có thể nhờ tới sự giúp đỡ của các thợ kỹ thuật chuyên nghiệp.

Điều hoà được chia làm 2 bộ phận chính là dàn lạnh và cục nóng. Cả 2 bộ phận này đều cần được vệ sinh, làm sạch cũng như kiểm tra tình trạng trước khi đưa vào hoạt động.

Đầu tiên là vệ sinh dàn lạnh. Người dùng cần tháo rời tấm lưới lọc của điều hoà ra, rửa sạch với nước, có thể cọ rửa bằng bàn chải nhẹ nhàng. Cuối cùng là đợi khô, ráo nước rồi lắp đặt lại vào vị trí cũ. hông chỉ có tính năng làm mát, lưới lọc còn giúp thanh lọc không khí, hạn chế vi khuẩn, bụi bẩn ra ngoài không gian. Khi điều hòa nói chung hay màng lọc nói riêng không được làm sạch, nó sẽ vô tình trở thành một "ổ chứa" vi khuẩn, chứa nhiều tác nhân gây dị ứng, ảnh hưởng đến sức khỏe đường hô hấp của các thành viên trong gia đình.

Trong thời gian đợi tấm lưới lọc khô, người dùng cũng có thể sử dụng khăn mềm, ẩm để lau qua phần mặt trước của điều hoà để thiết bị được làm sạch tối ưu.

Sau mùa đông, đừng vội bật điều hoà mà bỏ qua bước quan trọng này: Vừa hại máy, vừa hại người - 2
Ảnh minh hoạ

Thứ 2 là vệ sinh cục nóng của điều hoà. Nếu gia đình có một vòi nước với áp lực nước mạnh, có thể tiến hành tự phun nước để vệ sinh. Trong lúc vệ sinh cần đảm bảo tuyệt đối ngắt nguồn điện vào thiết bị. Tuy nhiên, cách tốt, đem lại hiệu quả và an toàn nhất đó là nhờ tới sự giúp đỡ của các đơn vị thợ sửa chữa, vệ sinh điều hoà chuyên nghiệp. 

Với tính chất hoạt động, cục nóng điều hoà thường được lắp đặt ở những vị trí ngoài trời, có thể treo trên cao hoặc khó tiếp cận, những người thợ chuyên nghiệp sẽ có các công cụ chuyên dụng để thực hiện tốt công việc kiểm tra và vệ sinh bộ phận này.

Sau mùa đông, đừng vội bật điều hoà mà bỏ qua bước quan trọng này: Vừa hại máy, vừa hại người - 3
Ảnh minh hoạ

Sau khi đã hoàn thành vệ sinh các bộ phận của điều hoà, người dùng có thể bật aptomat/cắm điện và sử dụng như bình thường.

Bên cạnh điều hoà, quạt máy khi sử dụng lại sau mùa đông cũng cần được cọ rửa, vệ sinh. Có 2 phương pháp mà người dùng có thể tự thực hiện.

- Cách 1: Ngắt điện, tháo rời các bộ phận như lồng quạt, cánh quạt để cọ rửa riêng, đợi khô rồi lắp lại.

- Cách 2: Phun dung dịch làm sạch lên cánh quạt. Để ngâm trong khoảng 15 phút rồi bật cho quạt chạy, từ đó thổi bay bụi bẩn ra ngoài. Tuy nhiên cách làm này vẫn tiềm ẩn nguy cơ khả năng xảy ra chập điện và không an toàn với thiết bị.

Theo Minh Minh (Nguoiduatin.vn)