Bệnh nhân được chuyển từ Nam Định lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) sáng 13/2 (mùng 4 Tết) trong tình trạng rất nặng, hôn mê, đa chấn thương (sọ não, ngực, gãy 2 tay…) sau tai nạn.
Bác sĩ Bùi Thanh Phúc, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật cấp cứu bụng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của bệnh nhân này rất cao. Có thể trước đó bệnh nhân đã uống rất nhiều rượu, bia dẫn đến mất khả năng tự chủ nên bị ngã.
Vị bác sĩ cho biết bệnh nhân được làm các chụp chiếu, xét nghiệm thêm để xác định tình trạng chấn thương. "Tại thời điểm này, bệnh nhân rất nguy kịch, tiên lượng nặng. Các bác sĩ đang cố gắng cấp cứu người bệnh", bác sĩ Phúc nói.
Tính đến sáng 13/2, sau 4 ngày Tết (từ sáng 30 Tết), bệnh viện tiếp nhận, cấp cứu khoảng 500 bệnh nhân, giảm nhẹ so với Tết Quý Mão năm ngoái. Riêng tai nạn giao thông, các bác sĩ tiếp nhận khoảng 120 ca cấp cứu, một nửa bệnh nhân xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu.
Ngoài ra, các loại hình tai nạn khác thường gặp dịp Tết như tai nạn sinh hoạt (bị ngã cao trong khi dọn dẹp nhà cửa), pháo nổ. Trong 4 ngày Tết, bệnh viện tiếp nhận 22 trường hợp bị tai nạn liên quan đến pháo nổ, có bé 13 tuổi ở Nghệ An phải cắt cụt 3 ngón tay vì tai nạn do pháo. Riêng từ đêm 30 Tết đến rạng sáng mùng 1, có 13 trường hợp cấp cứu do pháo nổ.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau 4 ngày nghỉ (từ sáng ngày 29 Tết đến sáng mùng 3 Tết), các cơ sở y tế tiếp nhận hơn 6.200 trường hợp tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị, chiếm 40,3% trong tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái; số tử vong do tai nạn giao thông giảm gần 16%.
Trong khi đó, tai nạn do pháo nổ các loại lại ghi nhận tình trạng tăng. Tổng cộng có 507 trường hợp khám, cấp cứu, nhiều hơn 134 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023 (tăng 36%).
Theo Võ Thu (VietNamNet)