Bộ Y tế họp báo: Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc rượu

11/01/2019 18:00:47

"Việc chẩn đoán bệnh nhân có bị ngộ độc Ethanol hay không là chuyên khoa của bác sĩ, người dân khi phát hiện người nhà có biểu hiện ngộ độc rượu nên đưa đến cơ sở y tế để được chăm sóc. Tuyệt đối không tự ý dùng, áp dụng, bắt chước bất kỳ một trường hợp ngộ độc rượu nào", bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Liên quan đến thông tin Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, cứu sống bệnh nhân Nguyễn Văn N. (48 tuổi, Triệu Phong, Quảng Trị) trong tình trạng hôn mê, nguy kịch do ngộ độc rượu bằng cách dùng truyền trực tiếp 15 lon bia vào cơ thể bệnh nhân đang gây xôn xao dư luận, chiều 11/1, bộ Y Tế đã tổ chức buổi họp báo với nhiều chuyên gia để thông tin cụ thể về sự việc này.

Bộ Y tế họp báo: Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc rượu
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục khám chữa bệnh.

Tại buổi họp báo, Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên (Phó giám độc phụ trách trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai) cho biết: "Chúng ta đang nói đến hai chất đang có trong rượu, bia là Methanol và Ethanol. Chất Ethanol có trong cả rượu và bia, chỉ khác chau ở nồng độ, khi hòa hai thứ lại với nhau thì chỉ làm giảm nồng độ rượu trong khi làm tăng hàm lượng cồn. 

Ethanol nó như là một loại thuốc ngủ, nếu như chúng ta uống nhiều thì như là uống thuốc ngủ, dẫn đến hôn mê, thở yếu.... Việc chúng ta ngộ độc nếu uống thêm Ethanol thì mức độ ngộ độc lại càng nghiêm trọng. Trong phác đồ chẩn đoán điều trị giải độc rượu bia do Ethanol, bác sĩ không bao giờ sử dụng uống thêm rượu, bia để chữa cho bệnh nhân cả, tuyệt đối không, không sử dụng bất kì sản phẩm nào có cồn chữa bệnh cho bệnh nhân".

Bác sỹ Nguyên cũng cho biết, ngộ độc rượu hầu hết là rượu cồn công nghiệp Methanol. Methanol là chất dùng trong công nghiệp nhưng được một số người sử dụng pha rượu và bán ra ngoài. Ngộ độc Methanol rất mạnh, gây mù, gây tổn thương não, tử vong. 

Bộ Y tế họp báo: Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc rượu - 1
Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên (Phó giám đốc phụ trách trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai).

Hiện nay, có 3 biện pháp để cấp cứu ngộ độc cồn Methanol. Đầu tiên là phương pháp cấp cứu hồi sức, ổn định tình trạng bệnh nhân. Biện pháp giải độc thứ hai là dùng thuốc giải độc. Nhưng thuốc này khá đắt, tốn vài nghìn USD một lần. Dạng thứ hai là truyền Ethanol y tế dạng tĩnh mạch, phương pháp này là tốt nhất và chúng ta đang cố gắng nhập về cho thuận tiện. 

"Một giải pháp khác để cứu chữa bệnh nhân kịp thời là bác sĩ sử dụng Ethanol dạng uống (là loại rượu thông thường, rượu an toàn, bia), với liều lượng, cách dùng hợp lí. Các y bác sĩ phải giám sát và lựa chọn phù hợp để giảm thiểu tác hại của methanol, giảm thiểu hậu quả cho bệnh nhân", bác sỹ Nguyên nói. 

Theo các chuyên gia của bộ Y tế, chỉ trong ngộ độc methanol mới có sử dụng 1 số chất hỗ trợ trong đó có ethanol để trì hoãn các chất độc từ methano và để có thêm thời gian song song đó là quá trình lọc máu, thải độc.Trong ngộ độc methanol biện pháp hàng đầu vẫn là lọc máu, cấp cứu.

 "Việc chẩn đoán bệnh nhân có bị ngộ độc Ethanol hay không là chuyên khoa của bác sĩ, người dân khi phát hiện người nhà có biểu hiện ngộ độc rượu nên đưa đến cơ sở y tế để được chăm sóc. Tuyệt đối không tự ý dùng, áp dụng, bắt chước bất kỳ một trường hợp ngộ độc rượu nào", bác sĩ Nguyên nhấn mạnh. 

Bộ Y tế họp báo: Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc rượu - 2
Bệnh nhân trong vụ ngộ độc rượu ở Quảng Trị (ảnh Tiền Phong).

Cũng trong buổi họp báo, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết theo hướng dẫn xử trí ngộ độc Methanol của Bộ Y tế, lọc máu cấp cứu là biện pháp quan trọng hàng đầu và quyết định việc đào thải Methanol ra khỏi cơ thể người bệnh.

Ngoài ra, trong quá trình lọc máu thải độc, Ethanol cũng có thể được sử dụng theo đường tiêu hóa để tranh chấp chuyển hóa với Methanol có trong máu. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời và trì hoãn việc chuyển hóa Methanol thành chất độc axit formic và format gây hại cho người bệnh và phải thực hiện theo dõi sát tại cơ sở y tế có đủ điều kiện, theo hướng dẫn chuyên môn và chỉ định của bác sĩ.

Ông Khoa khuyến cáo: "Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc rượu, bia gây ra; không phải cứ uống bia vào là giải độc được rượu. Nếu đã ngộ độc Ethanol (có trong rượu, bia) mà vẫn tiếp tục uống rượu, bia thì có mức độ ngộc độc càng nghiêm trọng hơn".

Trước đó, theo báo cáo nhanh của Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, trong 2 ngày 24-25/12/2018, Bệnh viện lần lượt tiếp nhận 3 bệnh nhân là Lê Văn X. (64 tuổi), Nguyễn Văn N. (47 tuổi), Lê Văn T. (24 tuổi), đều thường trú tại Triệu Phong (Quảng Trị).

Qua khai thác, cả 3 bệnh nhân cùng dự liên hoan vào chiều ngày 23/12/2018 và cùng uống chung một loại rượu. Triệu chứng ban đầulà đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, mệt mỏi. Sau đó, vật vã kích thích, hôn mê, rối loạn hô hấp, suy hô hấp, thở yếu, suy tuần hoàn, nhìn mờ.

Bệnh nhân Lê Văn X. được chẩn đoán choáng nhiễm độc từ đường tiêu hóa, nghi ngờ ngộ độc Methanol, chuyển bệnh viện Trung ương Huế điều trị do tiên lượng rất nặng. Bệnh nhân Nguyễn Văn N. và Lê Văn T. được chẩn đoán theo dõi ngộ độc Methanol.

Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn N. có hàm lượng Methanol trong máu là 2.100mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc. Bệnh viện đã tiến hành xử trí hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn và lọc máu cấp cứu để thải độc Methanol.

Bên cạnh đó, trong quá trình lọc máu thải độc, các bác sĩ đã sử dụng các biện pháp hỗ trợ khác, một trong số đó là truyền bia (có Ethanol) vào dạ dày qua đường ống thông. Sau 9 ngày điều trị, bệnh nhân bình phục hoàn toàn và xuất viện vào ngày 2/1/2019.

Theo Bá Cường (Trí Thức Trẻ)