Ngày 3/1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc thông tin trên VietNamNet, dịp Tết Dương lịch 2023, bệnh viện đã ghi nhận gần 20 trường hợp ngộ độc rượu. Trong đó, có 2 trường hợp tử vong trước khi vào viện. Các nạn nhân đều sử dụng nhiều bia rượu trong các buổi liên hoan cuối năm.
VnExpress dẫn lời bác sĩ Nguyễn Văn Thiện, Khoa Cấp cứu, cho biết ngộ độc rượu có hai dạng là ngộ độc rượu thông thường (ethanol) và ngộ độc cồn công nghiệp (methanol).
Đa số trường hợp là ngộ độc ethanol, biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ là không kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững... đến ngộ độc nặng là nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, rối loạn nhịp thở, suy hô hấp, hạ huyết áp, hạ thân nhiệt.
Ngộ độc rượu methanol sẽ có mức độ trầm trọng hơn. Methanol là dung môi được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp như pha sơn, lau kính xe, chất chống đóng băng cho ống dẫn xăng dầu, mực máy in...
Sau một vài giờ uống, methanol đi vào cơ thể chuyển hóa nhanh thành các acid gây độc cho tất cả tế bào, đặc biệt các tế bào não, gan và thị giác. Người bệnh có biểu hiện đau bụng dữ dội, đau đầu, chóng mặt, nôn, hạ thân nhiệt, khó thở, giảm hoặc mất thị lực. Nặng hơn có biểu hiện suy hô hấp, suy tuần hoàn rất nhanh, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng. Những trường hợp được cấp cứu có thể chịu di chứng nặng nề ở não, mắt, gan, thận...
Uống rượu cũng là yếu tố gây ra các bệnh lý về tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, bệnh lý mạch máu não, loạn thần... Ngoài ra, lái xe khi đã uống rượu là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông, gây khó khăn cho việc cấp cứu, điều trị, trở thành gánh nặng gia đình và xã hội.
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên tiết chế, điều độ khi uống rượu, nhất là dịp lễ, Tết. Nếu muốn sử dụng rượu, nên uống sau giờ làm việc, không điều khiển phương tiện giao thông sau uống. Tuyệt đối không sử dụng rượu có pha cồn công nghiệp, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Khi thấy biểu hiện đau đầu, đau bụng, chóng mặt, hạ thân nhiệt, huyết áp, nhìn mờ bóng mây sau uống rượu, người dân cần tới các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Uống rượu như thế nào để đảm bảo an toàn?
Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân uống dưới hai đơn vị cồn /ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá năm ngày trong một tuần.
Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Uống rượu khi đã ăn, đặc biệt là ăn đầy đủ, thức ăn dạng lipid, có tác dụng làm chậm hấp thu rượu vào cơ thể.
Người thân cần chú ý theo dõi người say rượu. Nếu người bệnh vẫn tỉnh và nhận biết được thì nên cho ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lưu ý thực phẩm có đường, tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn.
Nếu nói ú ớ, không thành rõ từ, gọi không biết, không thể ngồi được thì cần đặt nằm nghiêng sang một bên, tốt nhất nghiêng sang bên phải do dạ dày uốn cong, nằm vị trí này giúp dạ dày không bị kích thích nôn ra ngoài. Khi người say thở yếu, ngừng thở, tím tái, chân tay lạnh thì cấp cứu ngay.
PN (Nguoiduatin.vn)