Anh T.T.T (37 tuổi, Long An), nhập viện cấp cứu tại BV Bình Dân TP.HCM trong tình trạng đau dữ dội vùng bụng trên, bên trái, vã mồ hôi, mạch nhanh 140 lần/phút, huyết áp 130/80 mmHg, bụng chướng căng, sốt cao 38 độ C, môi khô, khát nước.
Anh T. cho biết do gia đình kinh doanh bia nên hay uống bia. Trong nhiều năm nay, ngày nào anh cũng uống khoảng 0,5 đến 1 lít bia.
Trước khi vào viện cấp cứu, anh T. đã đi nhậu liên miên. Sau khi nhậu, về nhà anh T. đau bụng nhiều tăng dần, kèm nôn ói, bụng chướng dần. Khi đến viện, anh T. nhanh chóng được thực hiện CT scan bụng và các xét nghiệm máu.
Kết quả chẩn đoán hình ảnh gợi ý có viêm tụy hoại tử nặng, bụng chướng nhiều hơi. Xét nghiệm máu người bệnh ghi nhận tình trạng cô đặc máu với Hb 18.5 g/dl và Hct 56,3%, triglycerid máu 13.7 mmol/l, có tổn thương thận cấp và nhiễm khuẩn huyết kết hợp. Bệnh nhân được hồi sức tích cực nhưng tình trạng máu vẫn cô đặc, suy thận, bệnh nhân vẫn đau dữ dội. Các bác sĩ phải đưa ra giải pháp lọc máu cho người bệnh và phẫu thuật để dẫn lưu ổ tụ dịch hoại tử.
Sau thời gian hồi sức tích cực kèm theo phẫu thuật, bệnh nhân có tiến triển. 8 ngày sau, bệnh nhân ra viện.
Một trường hợp tương tự là bệnh nhân N.N.Q, 45 tuổi, vào viện Quân y 175 cấp cứu trong tình trạng sốt cao, đau bụng dữ dội, bụng chướng lớn.
Bệnh nhân có thói quen uống rượu hằng ngày, bụng âm ỉ, đau trước đó nửa tháng. Bệnh nhân đến phòng khám tư, được cho thuốc viêm dạ dày. Hết đợt thuốc, anh Q. tự mua thêm uống, đến khi bụng vẫn đau quằn quại mới vào bệnh viện.
Các bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu và chụp CT scan ổ bụng, xác định bệnh nhân bị viêm tụy cấp, thể hoại tử, xuất huyết do tăng mỡ máu. Bệnh nhân diễn biến nặng nhanh, suy hô hấp, suy đa tạng chỉ một giờ sau nhập viện.
Ngay lập tức bệnh nhân được lọc máu chạy liên tục, lọc hết phần mỡ máu tồn tại, thay huyết tương "sạch", đồng thời dẫn lưu dịch ổ bụng.
ThS.BS. Nguyễn Thanh Phương, Phó trưởng Khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc Bệnh viện Bình Dân cho biết: hầu hết (80%) các trường hợp viêm tụy hoại tử nặng phải điều trị và chăm sóc, đặc biệt là nam giới, độ tuổi trung bình từ 30-40 tuổi và khởi phát sau khi uống rượu.
Dấu hiệu của bệnh viêm tụy cấp diễn ra dồn dập, song không đặc thù, đôi khi nhầm lẫn với đau dạ dày, ngộ độc. Người bệnh bị chướng bụng, đau bụng, buồn nôn, đau vùng thượng vị (ngay dưới xương ức), bí trung đại tiện.
Viêm tụy cấp có hai thể. 80% bệnh nhân mắc bệnh ở thể nhẹ, chỉ phù nề và hầu hết đáp ứng điều trị. Thể còn lại cũng là thể nghiêm trọng nhất: thể hoại tử, chảy máu, nguy cơ tử vong từ 25-50%. Đặc biệt, thai phụ nếu bị viêm tụy do tăng triglycerid thể nặng, dù được điều trị tích cực, với các trang thiết bị hiện đại nhất tại bệnh viện tuyến cuối, tiên lượng tử vong vẫn lên đến 90%.
Tuyến tụy vừa có chức năng nội tiết, tiết hormone insulin và glucagon để giữ ổn định lượng đường trong máu; vừa là cơ quan ngoại tiết, tiết ra các men tiêu hóa thức ăn. Tình trạng viêm tụy xảy ra khi các men này hoạt hóa trước khi xuống ruột non. Lúc này men tụy sẽ tấn công chính tuyến tụy, gây tổn thương mô tụy, tụy bị hỏng hoàn toàn và có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Trước đây viêm tuỵ cấp chủ yếu do sởi đường mật. Hiện tại, viêm tuỵ cấp đa số đều do tình trạng lạm dụng bia rượu gây ra, BS Phương khuyến cáo.
Theo Ngọc Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)