Cách đây vài ngày, một cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ trải nghiệm do chính mình chứng kiến trên diễn đàn lớn dành cho phụ huynh.
Một ngày nọ, khi cô đang ăn tối ở cửa hàng gà rán, có hai mẹ con bước vào, người con trai trông khoảng ba mươi tuổi. Một lúc sau, người mẹ hỏi: "Con vẫn chưa gọi món phải không?". Người con trả lời rằng anh sẽ gọi một ít kem. Nghe xong, bà tỏ vẻ không hài lòng: "Kem à? Ăn đào cũng được". Vừa nói, vừa lấy từ trong túi ra một quả đào và yêu cầu: "Ăn một quả đi" nhưng cậu con trai từ chối.
Bà mẹ tiếp tục: "Thế muốn ăn gì? Đào ngon lắm sao không chịu ăn", đứa con vẫn kiên nhẫn lắc đầu. Tuy nhiên, người phụ nữ dường như không quan tâm, vẫn lẩm bẩm: "Đào ngon thế kia...". Đến lúc này, người thanh niên có chút mất bình tĩnh, nói rõ từng chữ một: "Con không thích đào". Bà mẹ vẫn nhất định không chịu thua, đặt quả đào thẳng vào tay con trai, gằn giọng: "Chúng ta cùng ăn đi nhé".
Người con trai đã ngoài ba mươi mà vẫn chưa chọn được món mình muốn ăn, thái độ phản đối vẫn bị mẹ phớt lờ, cậu có vẻ thực sự bất lực.
Cư dân mạng tận mắt chứng kiến toàn bộ quá trình cho biết: "Thật ngột ngạt. Cha mẹ kiểu này thực sự khiến con cái phát điên".
Có thể thấy những gì người mẹ này thể hiện là mong muốn kiểm soát con cái của một bậc cha mẹ điển hình. Họ không quan tâm con muốn gì, muốn làm gì, họ chỉ cần con ngoan ngoãn, làm những gì họ cho là đúng và những gì họ muốn con làm.
Là cha mẹ, bài học quan trọng nhất cần học là buông bỏ
Trong một khảo sát với các sinh viên đại học Mỹ: 38% sinh viên năm đầu và 29% sinh viên năm cuối cho biết cha mẹ họ thường xuyên hoặc thỉnh thoảng can thiệp cũng như thay mặt con giải quyết các vấn đề.
Nhiều bậc phụ huynh đã bước quá sâu vào đời sống riêng của con, chẳng hạn tham dự buổi phỏng vấn xin việc hay gặp gỡ giáo viên để tranh luận về điểm số. Trong khi đó, trẻ cần được học và tích lũy kinh nghiệm từ nhỏ về những kỹ năng sống cơ bản như nấu nướng, giặt giũ, vệ sinh cá nhân…
Người mẹ ép con ăn đào mục đích ban đầu là mong con sống một cuộc sống khỏe mạnh. Xuất phát điểm là tình yêu, nhưng tất cả đều phản tác dụng. Những bậc cha mẹ như vậy hầu như luôn nhấn mạnh: "Tôi làm điều này vì lợi ích của con". Chúng ta đều đã quá quen thuộc với câu nói này.
Trong một chương trình tạp kĩ của Trung Quốc, cậu bé nọ đã đứng dậy và hét lên: "Mẹ đừng cho con ăn táo và trứng nữa nhé !". Cậu bé kể, từ khi học tiểu học, mẹ đã bắt cậu ăn một quả táo mỗi ngày, sau khi học cấp hai là một quả trứng. "Mặc dù nó rất bổ dưỡng nhưng cả đời con không bao giờ muốn ăn nó nữa", cậu nói.
Nhưng người mẹ không nghĩ việc mình làm có gì sai và cho rằng bà đã chăm sóc con rất tốt: "Nhìn con bây giờ thật đẹp trai, là bởi vì mẹ cho con ăn trứng và táo". Đây là suy nghĩ điển hình của các bậc cha mẹ: "Con cái nhỏ thì biết gì? Những gì tôi yêu cầu con làm bây giờ là tốt cho con. Con có thích hay không, không quan trọng".
Làm cha mẹ không hề dễ dàng, chúng ta thường cho rằng hành động của mình đặc biệt chính đáng vì bắt đầu từ "tình yêu", nhưng bạn có hiểu điều gì thực sự tốt cho con cái? Đó là để cho trẻ em cảm nhận được tình yêu này - mà không bị áp bức hay ép buộc. Nếu không đó không gọi là tình yêu mà là mệt mỏi và gánh nặng.
Những bậc cha mẹ này luôn yêu thương con theo cách mà họ cho là đúng nhưng lại bỏ qua những cảm xúc, nhu cầu của con. Trên thực tế, tất cả những gì đứa trẻ mong muốn là sự thấu hiểu của cha mẹ về cảm xúc và nhu cầu của mình.
Trong suốt cuộc đời, điều chúng ta thực sự tìm kiếm là một mối quan hệ tốt đẹp và lành mạnh, nơi chúng ta biết cách chia sẻ, quan tâm và đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Tiền đề của nó là từ sự đồng hành và giao tiếp chu đáo giữa cha mẹ và con cái.
Là cha mẹ, bài học quan trọng nhất cần học là buông bỏ.
Nhiều bậc cha mẹ vô cùng lo lắng, tin rằng con mình sẽ phạm sai lầm khi đưa ra lựa chọn. Tuy nhiên, kiểm soát quá mạnh sẽ khiến trẻ mất tự chủ và đi theo hướng ngược lại. Những đứa trẻ thường có tâm lý sợ hãi, lo lắng và không hài lòng với cuộc sống gia đình. Khi trẻ nhận được sự hỗ trợ của gia đình mà chúng không muốn, chúng sẽ cảm thấy bản thân yếu kém hơn bạn cùng trang lứa và luôn thiếu tự tin.
Chuyên gia tâm lý Wendy Mogel, tác giả của những cuốn sách về nuôi dạy con, cho biết việc lớn lên trong vòng tay cha mẹ thích kiểm soát và luôn bảo vệ con thái quá sẽ khiến trẻ gặp khó khăn và thất bại trong cuộc sống.
Theo Thanh Hương (Phụ Nữ Số)