9 sai lầm dễ mắc phải khi điều trị cảm lạnh khiến bệnh mãi không khỏi

26/01/2024 14:20:22

Mặc dù đa số trường hợp mắc cúm, cảm lạnh sẽ không nguy hiểm nhưng lại gây nhiều khó chịu, ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt thường ngày.

Cảm lạnh và cảm cúm đều là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra, có nhiều triệu chứng giống nhau và dễ gây nhầm lẫn. Các triệu chứng của cảm lạnh và cảm cúm có thể giống nhau. Nhưng nếu cảm lạnh có xu hướng phát triển dần dần, thì các triệu chứng của cảm cúm thường nặng hơn, đến đột ngột, không có dấu hiệu báo trước.

Nhìn chung, cảm lạnh có xu hướng nhẹ hơn và nhanh khỏi, trong khi cảm cúm có các triệu chứng nặng hơn, thời gian khỏi bệnh lâu hơn và có nhiều khả năng gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng xoang hoặc tai... nếu không được điều trị đúng cách.

Để ngăn ngừa biến chứng do cảm lạnh, cảm cúm, người bệnh cần tránh những sai lầm sau đây:

9 sai lầm dễ mắc phải khi điều trị cảm lạnh khiến bệnh mãi không khỏi

1. Không cách ly

Theo các chuyên gia y tế, một trong những sai lầm của người bệnh là làm lây lan virus. Bởi cả cảm cúm và cảm lạnh đều do các loại virus gây ra, nó có khả năng lây lan rất nhanh trong môi trường sống, nơi làm việc của bạn. Vì vậy, việc không tự cách ly sẽ khiến không chỉ người bệnh lâu khỏi mà còn có khả năng lây lan bệnh cho người khác.

2. Tự ý dùng kháng sinh

Nhiều người cứ có triệu chứng đau họng, chảy nước mũi, ho là tìm đến kháng sinh, nhưng điều đó hoàn toàn sai lầm. Nếu bị cảm cúm hay cảm lạnh, việc điều trị kháng sinh dường như không hiệu quả. Vì cảm lạnh hay cảm cúm thường không phải do 1 chủng virus gây nên, các loại virus này luôn biến đổi. Việc điều trị bệnh cảm lạnh, cảm cúm thường là điều trị triệu chứng của người bệnh, còn thuốc kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn mà không diệt được virus.

3. Tập thể dục quá sức 

Vận động và tập luyện là phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh cảm lạnh mức độ nhẹ khá hiệu quả. Tuy nhiên, việc tập luyện quá sức có thể gây phản tác dụng và khiến cho bệnh nghiêm trọng hơn. Không chỉ gây căng cơ, điều này còn gây ức chế chức năng miễn dịch và loại bỏ vi rút.

4. Làm việc gắng sức khi đang sốt

Sốt là một trong những triệu chứng phổ biến khi cảm lạnh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn bỏ qua các cơn sốt này để làm việc và lao động. Đây cũng là lý do khiến cơn cảm lạnh của bạn trở nên trầm trọng và kéo dài hơn. Do đó, nếu bị cảm lạnh, bạn nên nghỉ ngơi ít nhất 24 giờ hoặc cho đến khi hạ sốt.

Ngay cả khi không bị sốt, việc nghỉ ngơi cũng là điều rất quan trọng trong điều trị bệnh cảm lạnh. Bởi khi nghỉ ngơi, hệ thống miễn dịch sẽ kích thích khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể. Bạn vẫn có thể tiếp tục làm việc nếu các triệu chứng không nghiêm trọng. Dù vậy, bạn cũng cần sử dụng khẩu trang tại nơi làm việc và rửa tay thường xuyên để tránh lây truyền cho đồng nghiệp.

9 sai lầm dễ mắc phải khi điều trị cảm lạnh khiến bệnh mãi không khỏi - 1

5. Uống không đủ nước

Đây là sai lầm không chỉ người khỏe mạnh mắc phải mà cả người bị cảm cũng thường hay mắc. Mất nước làm người bệnh dẫn đến các triệu chứng như đau đầu, khó chịu… Cần bổ sung nước cho cơ thể bằng đường ăn hoặc uống. Uống nước không chỉ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch mà nó còn làm cho chất nhầy ở xoang, mũi lỏng ra, đi xuống, và không lưu lại ở xoang hay phổi khiến bệnh lâu khỏi.

6. Bỏ bữa, ăn không đúng bữa

Khi bị ốm, bạn có thể không cảm thấy thèm ăn, nhất là khi cổ họng khó chịu nhưng điều quan trọng là phải ăn thứ gì đó. Calo và chất dinh dưỡng sẽ cung cấp năng lượng cho các tế bào miễn dịch tấn công virus cảm lạnh và cúm. Kết quả là bạn có thể khỏe lại nhanh hơn.

Ngoài ra, khi bị cúm, cảm lạnh bạn càng phải ăn đúng giờ, không bỏ bữa chính và ăn thêm bữa phụ. Điều này giúp cơ thể không yếu đi, mắc thêm các rối loạn tiêu hóa khác và đủ dinh dưỡng để phục hồi nhanh hơn. Chuyên gia gợi ý rằng khi bị cúm, cảm lạnh có thể chọn ăn súp gà ấm. Nghiên cứu cho thấy rằng món ăn này giống như “bài thuốc cổ điển”, làm giảm nhiều triệu chứng khó chịu do cảm lạnh và cúm.

7. Ngủ không đủ giấc

Giấc ngủ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình hồi phục sau cảm lạnh. Tuy nhiên, nhiều người thường rất khó khăn để ngủ sâu và ngủ ngon khi bị cảm lạnh. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể áp dụng mẹo nhỏ là kê cao gối khi nằm ngủ. Việc này sẽ giúp bạn giảm bớt các cơn ho cũng như tình trạng sổ mũi. Ngoài ra, nếu bệnh nghiêm trọng, bạn cũng có thể sử dụng một số loại thuốc nhằm làm giảm triệu chứng.

9 sai lầm dễ mắc phải khi điều trị cảm lạnh khiến bệnh mãi không khỏi - 2

8. Hút thuốc, uống bia rượu

Không hiếm các trường hợp không thể ngừng uống bia rượu, hút thuốc khi bị cảm lạnh hay cúm. Trong số đó có người thì cho rằng chúng chỉ là “bệnh vặt” nên không có gì đáng lo. Một số khác thậm chí còn cho rằng bia rượu và thuốc giúp đỡ mệt mỏi, dễ ngủ và từ đó giúp nhanh khỏi bệnh, chí ít là thấy thoải mái vì làm điều mình thích.

Bác sĩ cảnh báo rằng những thói quen này sẽ khiến cơn cảm lạnh, cúm của bạn trầm trọng, dai dẳng mãi không khỏi. Hút thuốc làm tổn thương phổi và kích thích cổ họng của bạn. Điều đó có thể làm cho các triệu chứng cảm lạnh của bạn trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, hãy bỏ thuốc lá, tẩu, thuốc lá điện tự… và tránh xa cả khói thuốc thụ động.

Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ thì chỉ ra bia rượu có thể làm mất nước và kích hoạt phản ứng viêm, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng cảm lạnh và cúm. Nó cũng làm suy giảm miễn dịch, lâu phục hồi hơn. Do đó, người bị cảm lạnh hoặc đang ốm nên tuyệt đối kiêng rượu và đồ uống có cồn”.

9. Căng thẳng và dễ tức giận

Việc mệt mỏi trong người, phải thay đổi thói quen sinh hoạt, bỏ dở công việc hay học tập có thể khiến nhiều người suy nghĩ quá nhiều, dễ tức giận. Tuy nhiên, đây là những cảm xúc tiêu cực với tình trạng bệnh và chỉ làm bạn ốm càng nặng, càng lâu hơn.

Một loại hormone mà cơ thể bạn tạo ra khi bạn căng thẳng, tức giận sẽ gây khó khăn cho hệ thống miễn dịch. Nó cũng làm tăng tình trạng viêm, có thể khiến tình trạng nghẹt mũi của bạn trở nên tồi tệ hơn. Hãy cố gắng tập trung vào việc thư giãn và phục hồi, bạn có thể sẽ sớm trở lại bình thường.

Cảm lạnh và cúm đều là bệnh về đường hô hấp do virus gây ra, nên cách phòng ngừa sẽ tương tự nhau. Cách tốt nhất để phòng ngừa là tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng và tập thể dục thường xuyên.

PN (SHTT)

Nổi bật