Có lẽ, ít quốc gia nào trên thế giới, nhóm bệnh lý về cơ xương khớp lại phổ biến như tại Việt Nam. Nhóm bệnh lý này không chỉ tập trung ở người lớn tuổi mà còn phân bổ ở nhiều lứa tuổi khác nhau.
Nhóm bệnh lý về cơ xương khớp bao gồm các bệnh: thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, viêm khớp, thấp khớp, thoát vị đĩa đệm, loãng xương - căn bệnh đang rất phổ biến hiện nay.
Tại sao mùa lạnh dễ bị đau nhức xương khớp?
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân là do khi thời tiết trở lạnh sẽ khiến các gân cơ dễ bị co rút, dịch khớp đông quánh lại. Từ đó, các khớp trở nên khô cứng, có biểu hiện đau mỏi và khó cử động. Thời tiết lạnh cũng khiến cho các đầu mút dây thần kinh ở khớp trở nên nhạy cảm và người bệnh sẽ cảm nhận cơn đau rõ ràng hơn.
Ngoài ra, vào mùa lạnh, thói quen tập luyện cũng bị giảm đi, khiến các khớp không được vận động thường xuyên, máu lưu thông kém. Đây cũng là yếu tố thuận lợi khiến bệnh xương khớp tiến triển nặng thêm.
Theo y học cổ truyền, thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi để các yếu tố gây bệnh như phong (gió), hàn (lạnh), thấp (ẩm) xâm nhập cơ thể, lưu đọng lại ở các khớp xương khiến kinh lạc bị trì trệ, khí huyết kém lưu thông và phát sinh chứng đau nhức ở các khớp. Trong đó hàn là một yếu tố rất quan trọng, vì vậy thời tiết lạnh ẩm làm người bệnh đau tăng lên. Đặc biệt, ở người già, các chức năng hoạt động cơ thể bị suy yếu làm cho khí huyết trở trệ vận hành giảm sút, không nuôi dưỡng được cân mạch, gây nên tình trạng đau và thoái hóa khớp.
Làm sao để giảm đau nhức xương khớp vào mùa lạnh?
Tình trạng đau nhức xương khớp khi thời tiết lạnh thường xuất hiện ở khớp gối, cột sống lưng, cổ, vai… Cơn đau kéo dài, khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, mệt mỏi, giảm chất lượng cuộc sống… Vậy làm sao có thể "ăn ngon, ngủ yên", không còn đau nhức khớp khi trời trở lạnh?
Giữ ấm cho cơ thể
Cần tăng cường giữ ấm cơ thể, đặc biệt vùng cổ, ngực, tay, chân, các khớp dễ bị thoái hóa như (khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay, bàn tay...). Khi khớp có dấu hiệu đau nhức, tê cứng, cần làm ấm xung quanh vị trí đau bằng xoa dầu hoặc cao nóng, sử dụng túi chườm, lá ngải sao với muối... để các mạch máu giãn ra, khí huyết lưu thông được dễ dàng đến nuôi các khớp. Tuyệt đối không chườm hay xoa dầu nóng trực tiếp lên vùng khớp đang viêm cấp (sưng, nóng, đỏ, đau) sẽ khiến tình trạng sưng viêm trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, tránh tập thể dục ngoài trời khi thời tiết quá lạnh, nhiều gió, độ ẩm cao hay có mưa ...
Làm ấm vùng khớp
Chườm nóng với túi chườm thảo dược như ngâm chân, tay với nước thuốc, ngâm tắm toàn thân thảo dược
Nghỉ ngơi hợp lý
Để giảm đau cần giảm hoạt động và áp lực cho khớp như dùng gậy chống, vịn tay, mang găng hay miếng dán ở các khớp xương, đeo đai lưng, masage, chườm ấm... Nhân viên văn phòng hạn chế ngồi làm việc lâu quá hai giờ liên tục. Để phòng ngừa các bệnh xương khớp, bạn hãy từ bỏ thói quen ngồi làm việc quá lâu tại một vị trí mà tranh thủ một vài phút giải lao đi lại, vận động nhẹ nhàng vừa giúp tinh thần thoải mái vừa ngăn ngừa bệnh thoái hóa khớp cổ, vai, cột sống.
Chế độ ăn uống hợp lý
Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất và cân bằng để duy trì cân nặng ở mức độ vừa phải, tránh béo phì, thừa cân. Nên chú ý chế độ ăn uống như bổ sung đầy đủ protein, collagen, các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C, D và các nguyên tố vi lượng; đồng thời ăn nhiều thực phẩm hàm chứa nhiều canci như sữa, chế phẩm từ đậu, các loại hạt, rau củ quả..., chú ý nhiều collagen.
Tránh xa thực phẩm có thể tác động tới bệnh xương khớp như các chất kích thích, thịt đỏ, đồ đông lạnh, phủ tạng động vật, đồ ăn nhanh, đồ ăn có tính nóng, quá chua hay quá mặn.
Uống đủ nước mỗi ngày, bởi lẽ khi cơ thể thiếu nước có thể gây hiện tượng cô đặc máu, làm giảm lưu thông máu đến nuôi dưỡng các khớp.
Sử dụng thuốc đúng cách
Khi gặp các cơn đau nhức, cứng khớp, người bệnh hay tìm đến các thuốc giảm đau nhanh. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo lạm dụng thuốc giảm đau trong bệnh xương khớp rất nguy hiểm, không chỉ gây tác dụng phụ đau dạ dày mà còn làm gia tăng nguy cơ tim mạch, đột quỵ, làm lu mờ triệu chứng bệnh xương khớp khiến bệnh diễn biến xấu nhanh hơn, sụn và xương dưới sụn hư hỏng nghiêm trọng hơn.
Lý do là một số thuốc giảm đau, chống viêm có thể có những tác dụng không mong muốn. Ví dụ, người đau nhức xương khớp kèm viêm loét dạ dày, tá tràng, dùng thuốc cortison (prednosolon, methylprednosolon, solu-medrol...) hoặc aspirin có thể gây chảy máu dạ dày cấp nếu không phát hiện kịp thời.
Y học cổ truyền dùng các bài thuốc, vị thuốc có tác dụng khu phóng, tán hàn, trừ thấp, thông kinh hoạt lạc để giảm đau. Cần có chỉ định của thầy thuốc, không nên tự ý dùng thảo dược theo lời đồn. Tốt nhất là khám chuyên khoa khớp để được xác định nguyên nhân (tổn thương thực thể, thoái hóa khớp hay chỉ là do viêm khớp phản ứng). Không nên chủ quan, xem thường, không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình (nếu không am hiểu về chuyên môn y học) và không nên tự mua thuốc để điều trị, đặc biệt lưu ý là không tự động dùng thuốc corticoid (prednisolon, dexamethason ,...) hoặc thuốc không steroid (meloxicam, mobic...).
Rèn luyện xương khớp
Nhiều người bệnh xương khớp sợ đau nên không dám cử động khiến các khớp càng trở nên tê cứng. Tuy nhiên khi bị khớp, mọi người càng nên vận động thường xuyên nhưng nhẹ nhàng để giúp khí huyết lưu thông, mô sụn có điều kiện hấp thu dưỡng chất và tăng tiết dịch, bôi trơn các khớp.
Bạn có thể tập luyện hợp lý để cải thiện chức năng của khớp, hoặc có thể masage, dùng phương pháp trị liệu. Thay vì ngồi một chỗ, mỗi ngày chỉ cần dành khoảng 30 phút đến một tiếng để thực hiện những bài tập như bơi lội, đạp xe, đá bóng, cầu lông, võ thuật, tập thái cực quyền, khí công dưỡng sinh, y oga...theo nguyên tắc nhẹ nhàng, mang tính cá thể và khi thực hành xong cảm thấy các khớp dễ chịu, giảm đau, vận động được cải thiện. Điều này rất hữu ích không chỉ cho hệ xương khớp mà còn tăng cường sức khỏe, mang lại sự sảng khoái về tinh thần và làm việc có hiệu quả hơn.
Xoa bóp
Dùng dầu gừng hoặc dầu khuynh diệp, các loại rượu thuốc xoa bóp trực tiếp các vùng xương khớp bị đau nhức để làm nóng khớp và tăng cường lưu thông khí huyết, lưu thông máu.
Chườm thảo dược
Đắp nóng hoặc chườm nóng trong khoảng 20 phút giúp làm giảm các cơn đau xương khớp.
Tắm nước nóng
Ngâm chân nước thuốc, ngâm tay nước thuốc, ngâm tắm thảo dược toàn thân: Đau xương khớp mùa lạnh có thể được khắc phục bằng cách tắm nước nóng 15-20 phút với những phần xương khớp bị đau. Lưu ý, nhiệt độ nước tắm vừa phải, tránh tắm muộn và tắm quá lâu, thời gian tắm nên 15-20 phút.
Khi khớp bị sưng, ngâm tắm thảo dược làm cơn đau giảm đi, khớp bớt sưng hơn. Mỗi ngày ngâm chân một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ, ngâm 15-30 phút. Ngâm tắm thảo dược có tác dụng làm dịu cơn đau, phòng bệnh đau khớp và còn giúp phòng ngừa nhiều bệnh cho toàn thân. Đối với ngâm tắm toàn thân, nhiệt độ nước 30-40 độ C, thời gian tắm 15-20 phút.
"Nước nóng có tác dụng giảm đau, tăng tuần hoàn máu, thư giãn cơ, giảm cơn co cứng cơ và giúp người bệnh thực hiện một số cử động chủ động của khớp trong nước", bác sĩ khuyên.
PN (SHTT)