1. Viêm phổi
Mùa lạnh phổi rất dễ bị ảnh hưởng, đặc biệt là trẻ em. Bệnh diễn tiến nhanh và nặng, có thể dẫn tới tử vong. Dấu hiệu là ho khan, ho khạc đờm, đờm màu trắng đục, màu xanh, vàng (đôi khi ho ra máu), có thể tức ngực, sốt, khó thở, nhịp tim nhanh… sức khỏe yếu đi, mệt mỏi, đặc biệt bị nặng ngực cần đi khám ngay, tránh biến chứng.
Để phòng bệnh viêm phổi, cần mặc đủ ấm, ăn đủ chất trong những ngày chuyển mùa, nhất là trẻ em. Rèn luyện sức khỏe để tăng cường sức đề kháng. Nên mặc áo giữ nhiệt, áo đông xuân dày để lưng không nhiễm lạnh.
2. Đau nhức xương khớp
Người cao tuổi, phụ nữ sau tuổi 35 hay bị đau nhức xương khớp khi trời lạnh, mưa rét. Khi mắc chứng bệnh này, toàn bộ các khớp xương đều đau nhức nhất là buổi sáng dễ bị cứng khớp, khó cử động hàng giờ. Do đó mỗi khi trời trở lạnh, có mưa gió, những người bị bệnh đau xương khớp cần chú ý mặc ấm, đi tất ấm, nhất là sau khi ra mồi hôi.
Hạn chế ra ngoài khi trời lạnh có kèm theo mưa phùn vì sẽ làm tình trạng bệnh tăng nặng. Thay quần áo bị ẩm ngay và lau khô người, chân, tay. Phụ nữ nông thôn khi trời lạnh, khớp sưng cấp không nên lội nước, lội bùn. Nếu phải lội cần đi ủng để chân khô ráo.
3. Hạ thân nhiệt
Hạ thân nhiệt là chứng bệnh rất dễ gặp vào mùa lạnh, ngay cả khi bạn đi ngoài đường hoặc ở trong nhà. Đối tượng dễ mắc hạ thân nhiệt là trẻ em và người lớn tuổi, tuy nhiên đối với thanh niên trẻ tuổi nếu giữ ấm cơ thể không đúng cách thì vẫn có nguy cơ mắc hạ thân nhiệt khá cao.
Biểu hiện đầu tiên của chứng hạ thân nhiệt là cơ thể run lẩy bẩy, nói lắp bắp, da lạnh, tái xanh hoặc xám, nhịp thở chậm, mệt mỏi... và nếu không được phát hiện kịp thời thì người bệnh sẽ rơi vào mất ý thức và vô cùng nguy hiểm cho tính mạng.
4. Bỏng lạnh
Bỏng lạnh - thuật ngữ chuyên ngành gọi là Frostbite. Bỏng lạnh là những tổn thương tại chỗ gây ra cho da, các mô bị tiếp xúc với môi trường lạnh quá lâu. Bộ phận cơ thể thường dễ bị bỏng lạnh nhất là các cơ quan xa trung tâm như các chi, đầu, mũi, tai.
Biểu hiện ban đầu của bỏng lạnh là xuất hiện ngứa, đau, da đổi màu sang trắng rồi đỏ. Khi bị bỏng lạnh, nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời thì vùng da bị bỏng lạnh có thể đông cứng lại và dần mất cảm giác gây tổn thương sâu các mô cơ, mạch máu, thần kinh, vùng da chuyển sang màu tím đen và có khả năng bị hoại tử hoàn toàn.
5. Liệt mặt, méo miệng
Liệt mặt, méo miệng là căn bệnh xảy ra khi cơ thể bị tác động quá lâu từ nhiệt lạnh giảm mạnh của môi trường. Bệnh xảy ra khi dây thần kinh số 7 chạy dài từ cổ lên dọc 2 tai bị nhiệt lạnh tác động mạnh khiến một bên mặt của người bệnh bị liệt và méo miệng.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh là một bên cơ mặt có cảm giác khác thường, hơi căng cứng, bị đơ và khó điều khiển. Và nếu không được làm ấm kịp thời thì mặt sẽ bị liệt nặng hơn gây méo miệng, một bên mắt không nhắm được, khó khăn trong cười nói, ăn uống...
Liệt mặt, méo miệng tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không kịp thời phát hiện và chữa trị thì bệnh có thể để lại di chứng lâu dài gây mất thẩm mỹ mặt cũng như ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt thường ngày của người bệnh.
6. Đột quỵ tim
Theo các thống kê trong nước lẫn nước ngoài thì vào mùa đông lạnh, nguy cơ đau tim gia tăng đáng kể. Lý do là vào mùa lạnh, nhiệt độ giảm mạnh sẽ làm hẹp các mạch máu khiến máu lưu thông về tim bị hạn chế nên dễ gây ra các cơn đau tim, nhất là đối với những người đã có tiền sử tim mạch.
Ngoài ra, những bạn có lối sống quá căng thẳng, ít vận động, nghiện rượu bia... đều có nguy cơ cao bị đột quỵ do trời lạnh gây ra. Đột quỵ tim xảy ra khá bất ngờ mà ít có triệu chứng dự báo trước, do đó tốt nhất là bạn nên nhớ giữ ấm cơ thể thật tốt để hạn chế bệnh bất ngờ tấn công.
7. Dị ứng
Sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ sẽ làm nhiều người bị dị ứng, đặc biệt người có tiền sử dị ứng (như hen phế quản…). Sự sụt giảm nhiệt độ mùa lạnh và chênh lệch giữa ngày và đêm, giảm độ ẩm không khí còn gây các chứng khác như khô nẻ, mẩn đỏ, ngứa ngáy…
Để giảm thiểu sự trầm trọng của dị ứng, cần loại bỏ món hay gây dị ứng, giảm đồ ngọt, rượu bia. Đề phòng bị dị ứng da, hãy bôi kem dưỡng ẩm và vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Khi chưa tìm rõ nguyên nhân bị dị ứng thì dùng thuốc gì cũng cần có tư vấn của bác sĩ.
Để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm khi trời chuyển lạnh thì bạn nên lưu ý một vài điều sau:
- Trang bị đầy đủ trang phục giữ ấm cho cơ thể mỗi khi ra đường, đặc biệt các cơ quan như tay, chân, cổ, ngực, đầu cần được bảo vệ tối ưu hơn.
- Khi ngủ cũng cần lưu ý giữ ấm cơ thể hiệu quả vì nhiệt độ về đêm có thể giảm mạnh bất thường. Ngoài ra, bạn cũng nên khép các cửa sổ lại để hạn chế gió lạnh lùa vào phòng gây hại sức khỏe.
- Tuyệt đối không được tắm nước lạnh vì nước lạnh khiến cơ thể hạ nhiệt bất ngờ và có thể gây đột quỵ vô cùng nguy hiểm.
- Tăng cường các biện pháp giữ ấm cơ thể như tập thể dục tại nhà, uống nước ấm, tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể để nâng cao sức đề kháng, giữ thân nhiệt tốt hơn.
PN (SHTT)