Ngày 5/12, ông Phạm Nhật Vượng đã chính thức lấy lại được ngôi vị số 1 trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán từ ông Trịnh Văn Quyết.
Khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã tăng lên 53 ngàn tỷ đồng nhờ cổ phiếu Vingroup (VIC) tăng mạnh trong thời gian qua. Tính tới 5/12, cổ phiếu VIC đã tăng hơn 80% lên mức 73.000 đồng/cp.
Ông Vượng đang trực tiếp sở hữu gần 724 triệu cổ phiếu VIC, trị giá gần 53 ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó, cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros của ông Trịnh Văn Quyết giảm mạnh từ mức gần 220 ngàn đồng/cp xuống dưới 160 ngàn đồng/cp. Khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết giảm mạnh xuống còn khoảng 51 ngàn tỷ đồng.
Trên TTCK Việt Nam, khoảng 1 năm trở lại đây, vị trí số 1 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán liên tục có sự thay đổi. Sự tăng giá bất thường của cổ phiếu ROS đã giúp ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC (và cũng là chủ tịch ROS) - nhiều lần chiếm vị trí số 1 từ tay ông Phạm Nhật Vượng.
Tính tới ngày 5/12, trong bảng xêp hạng Forbes, Việt Nam có 2 tỷ phú USD là ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet. Ông Vượng hiện có tài sản đạt 4,2 tỷ USD, xếp thứ 491.
Ông Vượng lần đầu tiên lọt top 500 người giàu nhất hành tinh kể từ hồi đầu tháng 11.
Như vậy, không chỉ lọt vào top 500 người giàu nhất hành tinh, ông Phạm Nhật Vượng cũng đã lấy lại vị trí giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Cũng trong ngày 5/12, ông Phạm Nhật Vượng ghi nhận 1 kỷ lục mới. Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng vượt Ô tô Trường Hải để trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2017.
Theo Bảng xếp hạng VNR500, Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2017 xếp hạng Samsung Electronics Việt Nam là doanh nghiệp lớn nhất và Tập đoàn Vingroup là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất năm nay.
Năm 2017 chứng kiến sự trỗi dậy của khối doanh nghiệp tư nhân. Nếu như 10 năm trước, khối tư nhân chỉ chiếm 20% trong tổng số 500 doanh nghiệp thì năm nay con số này tăng lên mức 50%.
Tính chung, Samsung Electronics Việt Nam đứng số 1, Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) và Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) lần lượt xếp các vị trí tiếp theo.
Theo H. Tú (VietNamNet)