Trong khi dư luận cũng như các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến trái chiều đề xuất đánh thuế tài sản nhà, đất của Bộ Tài chính với phần giá trị vượt 700 triệu đồng thì nhiều ý kiến cho rằng "mốc" 700 triệu đồng là không phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Đa số các chuyên gia cũng cho rằng vấn đề gây tranh vãi không phải việc đánh thuế tài sản mà là "mốc" đánh thuế 700 triệu đồng.
Tại sao lại là 700 triệu đồng?
Sau khi đưa ra ưu tiên đề xuất đánh thuế tài sản 0,4% với phần giá trị nhà trên 700 triệu, Bộ Tài chính lý giải mốc 700 triệu đồng này là có cơ sở. Theo đó, Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 31/11/2011 của Thủ tướng phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì diện tích nhà ở bình quân toàn quốc theo mục tiêu đến năm 2020 đạt 25 m2 sàn/người.
Do đó nếu tính một hộ gia đình trung bình là 4 người thì diện tích nhà trung bình cho một hộ gia đình khoảng 100 m2.
Căn cứ tiếp theo quy định về suất vốn đầu tư xây dựng của Bộ Xây dựng, suất vốn đầu tư bình quân với nhà để ở vào khoảng 7,3 triệu đồng/m2. Vì vậy, tính theo giá trị xây dựng mới, căn nhà 100 m2 sẽ có giá trị vào khoảng 730 triệu. Do đó, Bộ Tài chính xây dựng phương án thuế suất thuế tài sản đối với nhà lấy ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng.
Với phương án đánh thuế 0,3% giá trị, Bộ Tài chính dự kiến bổ sung ngân sách khoảng 22.700 tỷ đồng (nhà trên 1 tỷ đồng) hoặc khoảng 23.300 tỷ đồng (nhà trên 700 triệu). Còn đối với phương án 0,4%, số tiền bổ sung ngân sách là 30.300 tỷ đồng (nhà 1 tỷ) hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng (nhà 700 triệu).
Sau khi cân nhắc các phương án, Bộ Tài chính ưu tiên lựa chọn phương án 2, tức đánh thuế 0,4% với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên.
Bộ Tài chính cũng cho rằng với ngưỡng 700 triệu tính theo suất vốn đầu tư xây dựng sẽ hạn chế điều tiết đối với những người sở hữu nhà có giá trị không lớn, có thu nhập thấp. Tránh điều tiết đối với nhà đơn sơ, thiếu kiên cố, cấp IV, hầu hết nhà tại nông thôn, nhà cấp III (phạm vi điều tiết đối với nhà tại nông thôn và nhà cấp III sẽ nhiều hơn phương án lấy ngưỡng không chịu thuế là 1 tỷ đồng).
Việc quy định mức thuế suất cao đối với đất sử dụng không đúng mục đích; đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế không đưa vào sử dụng; đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế lấn, chiếm sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ về đất, sử dụng đất lãng phí, chiếm dụng đất công...
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thừa nhận nhược điểm của phương án này là tác động mạnh đến toàn bộ người dân, đặc biệt là những người dù có quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, nhà ở giá trị lớn nhưng không có thu nhập để đóng thuế. Để giải quyết điều này, cơ quan đề xuất cho biết có đưa một điều vào dự thảo Luật, trong đó quy định cho phép chậm nộp tiền thuế đến khi chuyển nhượng.
Vấn đề nằm ở mức sàn áp thuế
Vấn đề đưa ra không chỉ gây tranh vãi trong dư luận mà chính những chuyên gia, doanh nghiệp cũng có nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất đánh thuế của Bộ Tài chính.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển, thuế tài sản là một trong những sắc thuế quan trọng nhất của một quốc gia, hầu như các nước đã áp dụng. Việt Nam cần triển khai khi các quyền sở hữu ở và kinh doanh nhà đất đã được Nhà nước công nhận và bảo vệ.
“Nếu nói rằng các thuế phí đã quá nhiều, không nên đưa thêm sắc thuế này thì lý luận đó chưa đầy đủ. Nếu có cần giảm, bỏ bớt sắc thuế phí, thì đó nên là những sắc thuế thu cào bằng, thu của người lao động chứ không phải bỏ sắc thuế thu người có tài sản”, ông Hiển cho hay.
Theo ông Hiển, nguồn thu thuế cần đánh vào người có nhà đất thì phải nộp nhiều, ai có nhà đất dưới trung bình thì không phải nộp, cũng tương tự như thuế thu nhập cá nhân.
Vị chuyên gia cũng cho rằng vấn đề gây tranh cãi không phải là có áp thuế hay không mà là mức áp thuế 700 triệu đồng.
“Tôi luôn nhấn mạnh việc nhà nước ra sắc thuế tài sản là cần thiết, nhưng tôi không nói mức thuế 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng là hợp lý”, ông Hiển khẳng định.
Theo ông, Bộ Tài chính đưa ra mức này là tính trên bình quân cả nước, qua đó có nhiều hộ dân nông thôn không phải nộp thuế. Tuy nhiên, việc áp dụng như vậy có thể chưa hợp lý theo từng khu vực, cũng như cách tính thuế chưa tính đến trường hợp nhà đông người ở chung…
Vì vậy mức giá 700 triệu đồng chỉ nên là mức tối thiểu và cần được nhân hệ số tùy theo thành phố và khu vực, như tại TP.HCM, vị này cho rằng mức miễn thuế nên là 3 tỷ đồng. Ngoài ra, cần miễn trừ diện tích đất theo đầu người, tỷ lệ thu thuế nên có nhiều mức từ thấp đến cao, như 0,1% và tăng dần với diện tịch chênh lệch có thể lên đến mức tối đa là 0,8-1% cho các diện tích (giá trị) ở khung cao nhất, để người có nhà giá trị thấp sẽ chịu mức thuế thấp nhất.
“Nói chung, các phương thức tính thuế, miễn trừ cần phải thảo luận nhiều hơn để sắc thuế tài sản có tính công bằng và khả thi trong điều kiện Việt Nam”, ông Hiển khẳng định.
Chia sẻ thêm về quan điểm lo ngại người dân sẽ bị đánh thuế 2 lần với thuế tài sản nhà, đất và thuế quyền sử dụng đất. Ông Hiển cho rằng 2 loại thuế này có bản chất khác nhau, thuế tiền sử dụng đấy là thu trên giá trị đất cho phép chuyển từ hình thức nông nghiệp sang dịch vụ hoặc nhà ở, tức là thay đổi công năng sử dụng của đất. Còn thuế tài sản là thu trên tài sản đang được sở hữu của người dân. Thuế thu hàng năm vì nhà nước hàng năm vẫn chi phí cho việc bảo đảm quyền sở hữu và sử dụng của người dân (chi phí an ninh quốc phòng, trị an, hạ tầng….
Theo Hoàng Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)