Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng với thuế tài sản người giàu sẽ phải đóng thuế nhiều hơn, người nghèo chịu thuế ít hơn, vì vậy mang tính nhân văn cao thuế tiêu dùng như VAT.
* Bộ Tài chính vừa đưa ra Dự thảo Luật Thuế tài sản gây nhiều tranh luận với nhiều ý kiến khác nhau. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi ủng hộ đề xuất này vì đây là một trong những sắc thuế hiếm hoi đảm bảo công bằng, hiệu quả và tính khả thi.
Nếu chúng ta nhìn ở góc độ giữa có thuế và không có thuế thì trên thực tế con người không ai muốn phải chịu thuế. Tuy nhiên, nhìn trong bối cảnh một số nguồn thu đang bị hụt như thuế xuất nhập khẩu hay thuế tài nguyên giảm đi, Việt Nam cần phải có nguồn thu ổn định để thay thế.
Thuế tài sản là ưu việt nhất thể hiện tính hiệu quả về mặt kinh tế, ít gây bóp méo phân bổ nguồn lực. Thuế này có độ co giãn thấp, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng không bị thay đổi nhiều.
Hơn thế, thuế này sẽ chống đầu cơ tài sản. Từ trước đến nay, đầu cơ bất động sản xảy ra tràn lan, nay có thuế, người ta phải tính tới việc sử dụng đất đai, tài sản sao cho hiệu quả.
Đặc biệt, thuế tài sản sẽ tạo điều kiện thống kê, kê khai tài sản quốc gia. Nhà nước có thể biết có bao nhiêu căn nhà, minh bạch hoá thông tin, chống tham nhũng sau này. Việc thu thuế tài sản sẽ giúp xã hội bớt bất công hơn.
* Dự thảo Luật Thuế Tài sản quy định "nhà có giá trị trên 700 triệu đồng sẽ phải nộp thuế", con số này có phù hợp không thưa ông. Nếu so sánh với đề xuất đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi thì bên nào công bằng hơn?
- Tôi cho rằng, có căn nhà nào nên đánh thuế tài sản căn nhà đó chứ ý tưởng như trước đây, đánh thuế từ căn nhà thứ 2 trở đi nghe hay nhưng không thực tế. Việt Nam thường có kiểu nhà của mình nhưng đứng tên người khác vì không muốn công khai tài sản. Như vậy là hoà cả làng, số thuế thu được rất thấp.
Với cách tính quy định "nhà có giá trị trên 700 triệu đồng sẽ phải nộp thuế" mà Bộ Tài chính đưa ra thì đây là cách tính có tính lũy tiến, có nghĩa người có khả năng nộp thuế nhiều hơn thì nộp thuế cao hơn.
Ví dụ, căn nhà có giá trị 1 tỉ đồng, trừ 700 triệu đồng còn 300 triệu đồng tính thuế 0,3%, tỉ lệ là 0,09%, trong khi căn nhà khác trị giá 10 tỉ đồng phải nộp tỷ lệ là 0,279%.
Nhưng để chọn con số 700 triệu đồng hay 1 tỉ đồng, thì về lý thuyết trên thế giới không có cơ sở khoa học, con số nào đưa ra cũng gây tranh cãi. Nhưng tâm lý người Việt có tư tưởng thường "vin cớ" vì người nghèo, theo đó cho rằng hầu hết mọi người trong xã hội không phải nộp thuế nhưng quên rằng dịch vụ giáo dục, y tế, chất lượng đô thị đang thấp cần nguồn thuế để cải thiện.
Hơn nữa, khi hụt thu 100.000 tỉ đồng, Nhà nước không thể đóng cửa, có cải cách sắp xếp bộ máy cũng không thể làm trong một sớm một chiều.
Ông vừa nhắc tới đừng "vin cớ" vì người nghèo, vậy theo ông sắc thuế này người nghèo có chịu tác động nhiều?
Đã là thuế thì mọi người bị ảnh hưởng. Nhưng thuế tài sản, người giàu sẽ bị đánh thuế nhiều hơn người nghèo.
Không có tính toán cụ thể nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuế tiêu dùng có tính chất lũy thoái người nghèo phải chịu thuế nhiều hơn người giàu. Còn thuế tài sản có tính chất lũy tiến, người giàu chịu thuế nhiều hơn người nghèo.
* Trong bối cảnh, Bộ Tài chính đang đề xuất tăng một loạt sắc thuế như thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường... nay lại thêm thuế tài sản. Vậy có quá sức chịu đựng của người dân. Nếu quá sức, nên cắt bỏ đề xuất tăng thuế nào?
- Thực ra khi nguồn thu hụt, với vai trò của người giữ vai trò hòm tài khoá như Bộ Tài chính, buộc phải nghĩ ra nguồn thu khả dĩ. Trong các nguồn thu đó, tôi cho rằng nên đánh thuế tài sản và thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên không nên tăng thuế VAT vì thuế này có tính lũy thoái, người nghèo hơn phải nộp nhiều hơn về mặt tỉ lệ.
Nếu buộc phải đánh thuế tài sản, làm thế nào để người dân không bức xúc như hiện nay?
Việt Nam nên làm theo thông lệ của nhiều nước coi thuế này là sắc thuế địa phương, tức là thu được thì phải được dùng ở địa phương. Ví dụ dùng nguồn thu này dùng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, dịch vụ phòng cháy chữa cháy... Đồng thời, về nguyên tắc kinh tế học không nên "đồng nào mua mắm, đồng nào mua dưa".
Tuy nhiên, về nguyên tắc thuế khoá, chúng ta phải chi tiêu theo nguyên tắc "đồng nào mua mắm, đồng nào mua dưa". Đánh thuế tài sản, mục tiêu của Bộ Tài chính là gì? Việt Nam cần phải cơ cấu lại nguồn thu, nguồn chi chứ không thể để nguồn thu chung, chi chung nên cứ chi tiêu vô tội vạ.
Bên cạnh đó, trước trước bối cảnh thâm hụt ngân sách quốc gia, bộ máy nhà nước cần phải nâng cao hiệu quả, cắt giảm chi tiêu. Nhà nước phải quyết tâm sắp xếp bộ máy hành chính, giảm số người "ăn không ngồi rồi" xuống.
Muốn tăng thuế cần phải có lộ trình để người dân chuẩn bị. Nếu được Quốc thông qua trong năm nay, tới năm 2020 áp dụng là phù hợp.
Những tranh luận về nên hay không nên đánh thuế tài sản xung quanh đề xuất của Bộ Tài chính vẫn còn nóng hổi. Tuổi Trẻ Onlinexin giới thiệu góc nhìn của một chuyên gia về chính sách công và mời bạn đọc cùng bàn thảo, góp ý xung quanh dự luật được cho là tác động sâu rộng đến nhiều người này.
Theo Thúy Linh (Tuổi Trẻ)