Dự thảo Luật thuế tài sản được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, trong đó đề xuất 2 phương án sẽ đánh thuế nhà trên 700 triệu hoặc trên 1 tỷ với mức thuế tương ứng 0,3-04% đang làm dậy sóng dư luận. Không chỉ người dân, ngay các chuyên gia kinh tế cũng có những quan điểm trái chiều.
Một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là liệu với mức đánh thuế tài sản với nhà trên 700 triệu đồng có phù hợp với thực tiễn Việt Nam?
Trong khi bất động sản đang gánh khá nhiều loại thuế phí; nếu áp thêm mức thuế 0,4% với nhà trên 700 triệu đồng liệu có gây ra tình trạng thuế chồng thuế?
Việc đánh thuế với nhà trên 700 triệu đồng liệu có tạo ra áp lực, buộc người dân phải tìm cách lách luật, trốn thuế?
Để trả lời những câu hỏi này và rộng đường dư luận, báo Điện tử Dân Việt sẽ tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với các chuyên gia am hiểu lĩnh vực, giúp bạn đọc có cái nhìn thấu đáo về các nội dung liên quan.
Khách mời tham gia chương trình gồm: Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh; Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cùng một số chuyên gia am tường trong lĩnh vực thuế.
Ban Biên tập Báo điện tử Dân Việt (danviet.vn) kính mời quý độc giả theo dõi chương trình và đặt câu hỏi.
9h15
Buổi Tọa đàm với các chuyên gia xung quanh dự thảo Luật thuế Tài sản vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến được bắt đầu với những chia sẻ rất sôi nổi ngay từ những phút đầu tiên xung quanh những vấn đề đang gây bão dư luận những ngày qua.
9h20
Mở đầu buổi giao lưu, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh chia sẻ chính sách thuế hiện nay là kém hiệu quả và không khuyến khích nhà đầu tư. Còn dự án thuế tài sản kém hiệu quả nhất về mặt kinh tế, vì vô hình chung không khuyến khích con người lao động, tiết kiệm, chắt chiu để có được thành quả.Ở đây, đối với thuế tài sản, đánh vào nhà ở, nhà ở lại là một loại tài sản sau cùng của quá trình tích lũy tài sản của con người, như vậy vô hình chung thuế đánh vào thành tựu lao động trọn đời của con người ta.
Hơn nữa, chúng ta đang có rất nhiều sắc thuế khác nhau như: thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp, thuế tiêu thụ, thuế xuất nhập khẩu, thuế tài sản. Trong đó thuế tài sản kém hiệu quả về mặt kinh tế.Tôi nghĩ nếu như chúng ta có khả năng thu được những thuế kia nên ưu tiên dùng để thu, tránh phải dùng những công cụ kém hiệu quả hơn so trừ trường hợp không còn nguồn thu nào cả.
9h30
Thưa chuyên gia Vũ Đình Ánh, hôm trước, cá nhân tôi cũng đọc một bài viết của ông tại một tờ báo về gánh nặng thuế. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất đánh thuế tài sản của Bộ Tài chính?
- TS. Vũ Đình Ánh: Khi tiếp nhận thông tin từ cuộc họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính về dự thảo Luật thuế tài sản tôi không hề ngạc nhiên. Làm tài chính gần 10 năm, tôi biết dự thảo lần này đã nằm trong chiến lược được hoạch định trước trong việc cải cách hệ thống thuế của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta cải cách, mở cửa, giảm các sắc thuế nhập khẩu.
Tiếp theo, là sự thay đổi của nền kinh tế Việt Nam, cùng với sự mở cửa, kinh tế Việt Nam đã có nhiều khởi khắc nên cơ sở thu thuế có sự thay đổi.Rất tiếc, Bộ Tài chính không nêu ra, năm 1991, lần đầu chúng ta có pháp lệnh thuế nhà, đất và giống lần trước, thuế suất là từ 0,3 - 0,4% giống lần trước.
Tới năm 1992, chúng ta lại ban hành pháp lệnh thuế nhà đất mới, bỏ đánh thuế nhà, chỉ đánh thuế đất. Năm 1994, pháp lệnh lại thay đổi. Nếu năm 1992, chúng ta đánh thuế đất dựa trên nền tảng thuế nông nghiệp, số kg thóc thu được trên 1ha thì năm 1994, chúng ta dựa trên nền tảng thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Chuyển biến cơ bản nhất liên quan tới đất là thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010, lúc này chúng ta đặt trên giá trị chứ không đặt trên hệ số so với đất nông nghiệp với 3 hệ số: 0,03%, 0,07%, 0,15%. Hạn mức này dựa trên quyết định của chính quyền và dựa trên diện tích đất để xác định hạn mức. Nếu như quá hạn mức 3 lần, phải áp 0,15%, dưới hạn mức thì áp 0,03% và đất chưa sử dụng đánh 0,2%.Tới năm 2018 này, chúng ta mới đưa ra vấn đề là đặt thêm nhà vào Luật và gom vào thành tài sản.
Quay lại nguồn gốc của tài sản, theo tôi đọc được đó là của cải, vật chất sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng. Ở đây có tài sản cố định, tài sản lưu động gắn với chu kỳ sản xuất kinh doanh, tài sản hữu hình, vô hình. Nhưng cần lựa chọn tài sản gì chúng ta sẽ đánh. Mọi người đang không tập trung vào việc đánh thuế tài sản với bất động sản là đất, mọi người lo trùng thuế nhưng không trùng được.
9h50
Thưa TS. Vũ Đình Ánh, như ông vừa chia sẻ vào đầu buổi giao lưu rằng ông không ngạc nhiên về dự thảo thuế này, vậy có điều gi làm ông băn khoăn?
- Mọi người đang không tập trung vào việc đánh thuế tài sản với bất động sản là đất, mọi người lo trùng thuế nhưng không trùng được, vì thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010 sẽ bị loại bỏ, thay vào đó là quy định trong dự thảo Luật thuế tài sản này.
Tôi phải khẳng định, đối với thuế nhà đây là thông lệ áp dụng trên thế giới. Nhưng quan trọng là đánh thuế như thế nào? Ở Singapore, họ đánh thuế dựa trên giá trị nhà ở. Việc đánh thuế dựa trên điều kiện kinh tế, xã hội, có cả yếu tố chính trị ở đây.
Tôi nói vậy để khẳng định thuế tài sản nó gần như một thông lệ trên thế giới. Thuế tài sản có lịch sử rất lâu đời, gắn với bản chất của nhà nước. Nếu áp dụng luật thuế tài sản với đất, thì thuế suất sẽ tăng lên gấp 10 lần, từ 0,03% lên 0,3 hoặc 0,4%. Đáng ra, phải bàn xem việc này, tăng thuế như vậy có hợp lý hay không chứ không nên chỉ tập trung vào thuế với nhà.
Với nhà, tôi cho rằng nhà nên và cần là một đối tượng để đánh thuế. Vậy nhà tới mức nào thì cần đánh thuế. Nhưng không nên đánh thuế là nhà giá trị thấp, phần lớn của người nghèo, thu nhập thấp, đời sống khó khăn thì không nên dồn gánh nặng lên vai họ.Tiếp theo liên quan tới bản thân ngành quản lý, nhà giá trị thấp thu không đáng bao nhiêu, giống thu thuế đất phi nông nghiệp. Nó vi phạm một nguyên tắc của thuế là tính hiệu quả.Thứ hai là tính đơn giản trong thuế.
Không nên loay hoay giữa việc đánh thuế nhà thứ nhất hay không đánh thuế nhà thứ hai hoặc xác định người ta sở hữu ngôi nhà thứ 3 hay thứ 4. Cái tôi bất ngờ và thắc mắc là ngưỡng 700 triệu để đánh thuế nhà, cơ sở nào để đưa ra mức này. Trong khi phần suất đầu tư để đánh thuế lại ở Bộ Xây dựng. Và tôi xin nhắc lại người ta chỉ tính giá đánh thuế với phần giá trị nằm trên 700 triệu đồng. Chúng ta không nên hiểu lầm. Tôi cho rằng Bộ Tài chính là người giúp Chính phủ, Quốc hội tạo ra dự Luật này. Trách nhiệm của Bộ là phải đưa ra căn cứ để xác định mức thu thuế tài sản và cơ sở thu thuế tài sản. Những ai phản bác cũng nên đưa ra lập luận, căn cứ của mình.
10h
Thưa ông Nguyễn Văn Đính, là một người nắm rõ về thị trường bất động sản và nhu cầu của người dân về nhà ở, ông bình luận gì về đề xuất thu thuế này?
- Ông Nguyễn Văn Đính: Tôi muốn nói, hiện nay chúng ta đã có nhiều loại thuế trong lĩnh vực xây dựng. Ở đây, khi hình thành ra một tài sản ngôi nhà, bản thân nó đã có phải gánh nhiều loại thuế. Thực tế đó đã tạo ra một giá trị, cao hơn so với các nước và ngang bằng nước phát triển.
Hiện nay, có những căn hộ nghìn có giá nghìn USD/m2, khác xa thu nhập của chúng ta. Chúng tôi nghĩ việc đánh thuế này có thể đánh vào các loại thuế khác, tránh tình trạng có thể chồng thuế, gây huệ lụy xấu cho các hoạt động xã hội khác. Trong khi đó, chính sách nhà nước đang tạo ra chính sách tạo điều kiện cho mọi người mua nhà, nhưng việc đánh thuế như đề xuất đang khiến cho khả năng người thu nhập thấp mua nhà khó hơn.
10h10
Một bạn đọc tại Hà Nội gửi tới TS. Đinh Tuấn Minh câu hỏi, "thưa ông, liệu việc đề xuất thu thuế vào thời điểm này, trong bối cảnh phát triển xã hội như hiện nay thì đã phù hợp hay chưa và ông nghĩ sao về lý do được Bộ Tài chính đưa ra là theo thông lệ quốc tế"?
- Câu chuyện thu thuế có phù hợp hay không cần phải nhìn vào xu hướng. Một sắc thuế trước đây các quốc gia áp dụng, là một phần rất quan trọng trong thu ngân sách của quốc gia và theo quá trình thời gian, sắc thuế này hiệu quả hơn và có thể thay đổi.
Đối với thuế tài sản, ở Mỹ chiếm 60, 70% tổng thu ngân sách và theo xu hướng giảm dần. Thuế thu nhập cũng chiếm tỉ trọng lớn của các quốc gia nhưng cũng giảm dần.Thu nhiều hơn vào thuế gián thu, thuế tiêu thụ, VAT, việc đánh vào thuế này đơn giản so với các thuế thu nhập.
Đối với thuế, về cơ bản đều đánh trên thu nhập của con người ta, có cái đánh trực tiếp khi thu được và tiếp đến là thuế tiêu thụ, cho người ta được quyền chủ động.Câu chuyện thuế tài sản đặt ra trong một giả thuyết của bộ tài chính, đó là nếu tôi có một căn hộ mà vì lý do nào đó tôi không đóng thuế được, từ đó xảy ra nợ thuế.
Dự thảo của bộ có dòng rất ngắn: trong tường hợp không đóng được thì cứ tích dần, khi nào chuyển nhượng tài sản thì đóng thuế. Điều này cho thấy tính khả thi của luật yếu và phải tính được làm thế nào để người dân phải nộp thuế. Nếu không rõ ràng, thuế tài sản sẽ dẫn đến một điều sẽ tạo ra cái xung đột giữa người đang được hưởng thụ tài sản với chính quyền.
Thực sự điều này khiến cho thuế tài sản không được hấp dẫn, đánh vào thành tựu lao động của con người ta, cảm giác bị đe dọa bởi chính quyền. Điều này chỉ ảnh hưởng những người tầng lớp trung lưu, đây là hạn chế rất lớn của thuế tài sản. Điều này khác với thuế tiêu thụ, thời điểm đó có tiền thì trả để mua, không thì thôi.Tôi nghĩ rằng thông lệ cần phải nhìn vào xu hướng của nó, xem nên áp dụng thông lệ nào tốt hơn, hiệu quả hơn, tránh dùng những thông lệ càng ngày người ta đang có xu hướng giảm, bỏ đi.
10h30
Thưa ông Nguyễn Văn Đính, căn cứ vào tình hình thị trường BĐS tại Hà Nội và một số thành phố lớn, số tiền 700 triệu đồng, khách hàng sẽ mua được căn hộ như thế nào?
- Tôi cũng đồng ý một số quan điểm của quan điểm TS Vũ Đình Ánh. Như chúng ta biết, đất đai là tài nguyên, sở hữu toàn dân, việc khai thác tài nguyên đó qua thuế đất là hoàn toàn hợp lý.Quá trình xây dựng lên nhà là một chuỗi quá trình sản xuất liên quan đến nhiều ngành nghề, công nghệ khác. Nó được xác định trên vật liệu, công nhân, vận tải, máy móc...
Các doanh nghiệp đó đều phải đánh thuế. Lợi nhuận được tạo ra nó được cộng vào giá thành cái nhà, cái nhà là tổng hợp cuối. Người tiêu dùng cuối cùng nhận cái tất cả các giá trị đó. Tôi quan niệm, trong cái giá trị tạo ra cái nhà đó đã có rất nhiều loại thuế. Hầu như không có một loại thuế nào được miễn giảm cả.Nhà ở trên nhiều nước trên thế giới cũng được đánh thuế.
Tuy nhiên, có những nước áp dụng nó như một sắc thái thuế để điều tiết việc này việc kia, phát triển hay không phát triển.
Theo số lượng của Hiệp hội BĐS Việt Nam thống kê, lượng cầu lớn nhưng nguồn cung còn hạn chế. Tuy nhiên, đâu đó có những phân khúc nội bộ nào đang dư thừa. Nhưng, nói chung ở ngành sản xuất nhà ở họ chưa đáp ứng được lượng cầu tổng thể cho người dân. Nhà có thể là tạo ra nhu cầu tối thiểu cho người sử dụng đang khó khăn tài chính và nhà nước đang có chính sách tạo điều kiện. Nhà cho người thu nhập cao thì nhà nước có thể điều tiết quản lý là hợp lý bằng thuế.
Giá trị nhà, trong đó giá nhà liền thổ, nhà đất đã được tính được thuế rõ ràng. Nhưng đối với chung cư, do một chủ đầu tư thực hiện, do đó tính cái việc bán cho các hộ dân thì chủ đầu tư đã tính, phân bổ ra nhiều loại, cộng tổng vào và tính ra giá trị một mét vuông đó.
Giá nhà 700 triệu đồng được Bộ Tài chính đưa ra đang có mâu thuẫn, Chính phủ có chính sách giá, nếu một nhà thương mại có giá 1.050 triệu đồng thì được ưu đãi, hỗ trợ vay vốn cho người mua và cả người phát triển. Nhưng, giờ ta lại đánh thuế với mức giá 700 triệu đồng thì cần phải xem xét có phù hợp không. Đặc biệt là đối tượng đánh thuế.
10h40
Một bạn đọc gửi câu hỏi với TS. Tuấn Minh, thưa ông Luật Nhà ở cho phép mỗi người dân được sử dụng 25m2, như vậy tính một hộ gia đình 4 người được sử dụng 100m2. Với mức quy định của pháp luật về xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở bình quân khoảng 7,3 triệu đồng/m2 thì có vẻ Bộ Tài chính đang “cố” ép vào một mức cụ thể thiếu căn cứ để quy ra số tiền ngân sách dự thu được từ việc này? Ông có nghi ngờ cơ sở hay lý do của việc áp mốc 700 triệu đồng này?
- Theo tôi, thứ nhất nếu như buộc phải đánh thuế tài sản, không thể nào tránh đươc việc đó, thì theo tôi các mức thuế suất nên chuyển cho chính quyền địa phương quy định sẽ phù hợp hơn.Rõ ràng mức sống đô thị khác hẳn với vùng quê, nếu như đặt tính công bằng thì người thành phố có quyền có nhà ở, khác người quê. Nếu đăt mức thuế 700, 800 triệu thì đang nhắm vào dân của các đô thị lớn chứ không phải tỉnh nhỏ, điều này có công bằng hay không, tôi nghĩ không công bằng trên trách nhiệm phải đóng thuế.
Nếu như vậy, tôi thấy nhiều quốc gia, họ chuyển việc thu thuế tài sản về cho địa phương để thu dùng cho mục đích dân sinh, dùng đúng mục đích: công viên, nhà trẻ, trường học. Mức thu như nào do nhu cầu ở khu vực đó.Vậy thu gắn với chi, chứ không phải thu là gắn về cho trung ương. Như vậy đưa một công thức chung tính toán theo suất đầu tư để ra một con số thì không phù hợp.Thuế tài sản mục đích để cho mục đích dân sinh, chỉ thu ở mức nhu cầu ấy cần.
10h45
Xin có một câu hỏi với ông Nguyễn Văn Đính, thưa ông hiện nay với đất thì người dân đã phải đóng các khoản thuế đất, thuế sử dụng đất, và đóng các khoản thuế khi xây một căn nhà, nhiều ý kiến cho rằng việc đề xuất thu thêm thuế nhà với căn nhà trên 700 triệu sẽ khiến thuế chồng thuế? Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Như chúng ta đã phân tích trước, với căn nhà 700 triệu đồng, đối tượng sở hữu nó chủ yếu là những người khó khăn về tài chính. Đối tượng này đang được Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho mọi người mua nhà. Hiện nay việc vay vốn, duyệt hồ sơ từ ngân hàng cho người mua nhà cũng khó khăn, nó phải phù hợp với đối tượng, hạn mức nào đó. Rõ ràng những đối tượng chúng ta nói là đối tượng thu nhập thấp, có chính sách vay 4,8% một năm cũng là khó khăn. Nếu sắc thuế trên được thông qua, thì họ phải chịu nhiều cái khó khăn hơn.Và quan điểm của tôi thấy là không phù hợp.
10h55
Tiếp tục về vấn đề thông lệ trong đánh thuế tài sản là lý do được Bộ Tài chính đưa ra, TS. Vũ Đình Ánh có thể chia sẻ ý kiến của mình?
- Thông lệ chỉ là cái để chúng ta tham khảo. Không phải lần đầu tiên, nhiều lần ban hành chính sách, đưa ra dự thảo, Bộ Tài chính lại đưa ra luận điểm đó là thông lệ thế giới đang thực hiện. Quan trọng là từ thông lệ, nó giúp gì cho chúng ta trong việc thực hiện chính sách. Mỗi thông lệ nó có một lịch sử, mang quan điểm của một dân tộc. Nên đó chỉ là cái để tham khảo, chứ không hoàn toàn thuyết phục.
Chính sách thuế có 3 chức năng cơ bản: Thứ nhất, tạo ra nguồn thu ngân sách. Thứ hai, điều tiết thu nhập, phân phối lại thu nhập. Điều này làm được không? Tôi nghĩ làm được, những người giàu khi nghỉ hưu không có chuyện họ phải loay hoay kiếm tiền đóng thuế. Với các tài sản bình thường, thuế suất rất thấp hoặc có thể miễn thuế. Nhưng với những tài sản đặc biệt sẽ luôn có cách để đánh thuế. Thứ ba, điều chỉnh hành vi tiêu dùng trong nền kinh tế từ cấp vi mô tới vĩ mô.
Không thể đánh đồng để các căn hộ 4 hay 5 tỷ không phải chịu thuế như nhà dưới 700 triệu. Điều này giúp điều chỉnh hành vi người tiêu dùng.Rõ ràng 3 mục tiêu đều đạt được.
Nhưng Bộ Tài chính trong quá trình cung cấp thông tin lại không đưa ra cơ sở lập luận rằng những sắc thuế này khi đưa ra đạt được 3 mục tiêu trên. Đánh thuế TNDN, TNCN thì có nhiều cách lẩn trốn. Chứ với thuế tài sản thì khó mà trốn được vì tài sản hiện hữu rõ ràng. Ở đây, tôi nghĩ thuế tài sản là một sắc thuế hết sức rõ ràng.Về tính công bằng, khi anh đã có quá trình để tích lũy được tài sản và sử dụng nó.
Chúng ta cần phải đặt tất cả các yếu tố lên bàn, nhìn nó một cách khách quan, trung thực, đa chiều. Luật đất đai của chúng ta vẫn quy định như vậy, đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nhưng nhà khác, đất khác. Nếu ở các nước khác, thuế tài sản của chúng ta là hữu hình, đất là tài sản hữu hình, nhà là hữu hình thì ở nước ta, đất là tài sản vô hình vì chúng ta đánh thuế trên quyền sử dụng đất, mà quyền là vô hình. Rõ ràng thuế suất đất mà người ta sở hữu khác với thuế suất đánh trên quyền sử dụng đất là một thứ vô hình.
11h00
Thưa các chuyên gia, theo nhận định của các vị liệu với sắc thuế này nếu được thông qua thì việc thực thi có khả thi không, có tạo ra kẻ hở không?
- Chuyên gia Đinh Tuấn Minh: Tôi lại không đồng quan điểm lắm với chuyên gia Ánh về việc dễ dàng nhìn thấy căn nhà là thu thuế được. Về vấn đề xác định xem giá trị của tài sản người ta có thể nghĩ ra muôn vàn cách để đóng thuế thấp. Thế nên tôi nghĩ là việc nhìn thấy căn nhà là thu thuế được, tôi không nghĩ là sẽ dễ dàng.
Về khả năng khả thi của việc đánh thuế này, tôi nghĩ không dễ dàng gì thu được và thu công bằng còn khó hơn. Sẽ dẫn đến những trường hợp xung đột, cưỡng chế, cưỡng ép, kiện cáo, ra tòa đủ các thứ. Các tài sản thế chấp ngân hàng khi thế chấp, không trả được khi bán thì vẫn còn gian nan. Đền bù giải phóng mặt bằng người ta không đồng ý đền bù thì vài năm còn chưa xử lý được. Tôi thấy có nhiều cái phải suy nghĩ thấu đáo về tính hiệu quả của nó. So với khoản thu ngân sách như vậy, hay chăng nên cân nhắc khoản thu khác dễ, hợp lý hơn. Nếu bắt buộc phải đánh thuế, chỉ nên trao về cho chính quyền địa phương, quy mô sẽ nhỏ, hợp lý hơn.
11h10
- TS. Vũ Đình Ánh: Những nước bắt đầu áp dụng thuế tài sản đã phải đối mặt và xử lý một cách tốt đẹp. Tôi không được quan sát nhiều ở các nước, nhưng người dân ở đó họ nói về chuyện nộp thuế nhà một cách bình thường, không nói nhiều về chuyện trốn tránh như đối với thuế TNCN.
Ở nước ngoài, họ yêu cầu đăng kí tài sản, có những quy định gắn bó với nhau. Về tính khả thi, hiệu quả của Luật thuế tài sản, tôi phải nhắc lại về tính đồng bộ. Nhiều DN sau khi thành lập chỉ bán hóa đơn, tiếp tay cho việc hoàn thuế GTGT. Tới khi chuyển sang hình thức tự in hóa đơn, vấn đề này đã biến mất.
Vừa rồi, khi chúng ta tranh luận về căn hộ dưới 25m2 hay 30m2, chúng ta vẫn có những công cụ giúp tránh trốn thuế tài sản khi nó được áp dụng.Tôi quan tâm là tài sản ở ngưỡng nào phải chịu thuế và được miễn thuế. Đây là vấn đề quan trọng, phải nhìn nhận nhiều chiều.Còn nữa là vấn đề làm chính sách, chưa bàn tới trong dựa thảo luật thuế này là cách thức tài sản này được đăng kí, định giá và người ta thu thuế như thế nào? Hiện cơ quan quản lý có một loạt chế tài với việc trốn thuế, chậm nộp, nợ thuế...
Cách đây một ngày, tôi có đưa ra ý kiến về việc thành lập cảnh sát thuế, họ có quyền điều tra, khởi tố ra tòa... nhưng không nhận được nhiều đồng tình. Những điều này chúng ta hoàn toàn có thể đúc rút trong quá trình thực hiện và hoàn thành để hoàn thiện dự thảo Luật thuế tài sản hơn.
11h12
- Ông Nguyễn Văn Đính: Nếu bắt buộc dự thảo luật đánh thuế này thông qua, tôi nghĩ cơ quan nhà nước cần làm thế nào để tránh chồng chéo. Bên cạnh đó, quan điểm của tôi là không đưa ra những thông tin này. Bởi thị trường bất động sản mới được hồi phục 2-3 năm gần đây, nhưng chưa phải bền vững. Bởi vì, thị trường đang phải đối mặt đối mặt với lạm phát và việc giải ngân từ ngân hàng đang lại cho việc giải ngân.
Thực tế, thông tin đánh thuế này đang trực tiếp gây tâm lý không tốt cho người tiêu dùng. Đặc biệt, tại phân khúc căn hộ chung cư, khi mà tâm lý người dân đang bị giao động sau những vụ cháy, thị trường đang bất lợi. Nếu có chính sách không tốt sẽ tác động không tốt tới thị trường.
Vâng, có lẽ vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa thể làm rõ ngay trong khuôn khổ một cuộc tọa đàm hôm nay. Có thể thấy là ngay trong các chuyên gia cũng còn có những quan điểm trái chiều. Tất nhiên, chúng ta đồng tình việc thu thuế tài sản là cần thiết, nhưng thu như thế nào để đảm bảo không đẩy cái khó về phía người dân là vấn đề cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ.
Hy vọng với sự góp ý của tất cả các chuyên gia trong buổi tọa đàm hôm nay sẽ thêm cơ sở để Bộ tài chính, cơ quan soạn thảo tham vấn, nghiên cứu kỹ hơn trong việc xây dựng Luật thuế tài sản nói chung, việc đánh thuế nhà nói riêng cho phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.
Một lần nữa xin cảm ơn các chuyên gia đã nhận lời tham gia buổi tọa đàm trực tuyến của báo điện tử Dân Việt!
Theo Nhóm PV (Dân Việt)