Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo lắng nguồn ngân sách cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) khi vốn đầu tư cho 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc dự kiến lên tới cả triệu tỉ đồng.
1,57 triệu tỉ cho đặc khu, ngân sách bỏ ra bao nhiêu?
Cho ý kiến về dự án luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 16.4, Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: Câu hỏi lớn nhất cần phải trả lời là 3 đặc khu sắp thành lập sẽ mang lại lợi ích gì cho đất nước, tuy nhiên, từ báo cáo giải trình của cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra thì chưa rõ hiệu quả kinh tế của đặc khu như thế nào. “Vừa rồi có thông tin vốn đầu tư cho 3 đặc khu này lên tới 1,57 triệu tỉ, riêng Phú Quốc cần tới 900.000 tỉ, trong đó ngân sách bỏ ra là 19%, Vân Đồn cũng 270.000 tỉ, trong đó ngân sách bỏ ra 10%. Vậy ngân sách bỏ ra trong 3 năm sắp tới của nhiệm kỳ này, 5 năm của nhiệm kỳ sau, 10 năm sau là bao nhiêu?”, ông Hiển nêu câu hỏi, đồng thời khẳng định phải làm rõ, chúng ta bỏ ra cái gì và thu được cái gì.
Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Nguyên tắc cơ bản là chúng ta chỉ tạo ra cơ chế, chính sách là chính song cũng phải có hỗ trợ ngân sách một phần. Tuy nhiên, phần này chỉ là vốn mồi để kích thích hoặc tạo để hấp dẫn nhà đầu tư chứ không phải ngân sách nhà nước bảo đảm là chính”.
Phải xem nhà đầu tư nghĩ gì
Đồng tình quan điểm phải có những chính sách ưu đãi vượt trội cho đặc khu, song nhiều thành viên UBTVQH cũng lo lắng chính sách ưu đãi một cách tràn lan có thể không tạo ra hiệu quả như mong muốn. Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng không nên miễn tiền thuê đất như các quy định tại dự thảo vì đất ở cả 3 khu vực Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều có giá trị cao. Tương tự, đối với chính sách thuế, ông Hiển lo ngại, nếu cứ miễn, giảm, giãn thuế tràn lan thì chẳng thu được gì nhiều lắm so với số vốn đầu tư bỏ ra, thậm chí còn có thể tạo gánh nặng cho ngân sách.
Trái với những băn khoăn này, ông Nguyễn Chí Dũng đề nghị không thu hẹp các chính sách ưu đãi, bởi lẽ nếu cứ thu hẹp tiếp thì mất tính vượt trội và cạnh tranh theo chủ trương của Bộ Chính trị đối với đặc khu. Ông Trần Sơn Hải, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, nói: “Chúng ta đang bàn về chính sách ưu đãi trong thế là những người làm quản lý nhà nước. Cần phải tính xem nhà đầu tư nghĩ gì, hưởng ứng thế nào với những chính sách ưu đãi đang được xây dựng, vì đã là nhà đầu tư thì phải có lợi nhuận họ mới làm”.
Tình trạng xin rút, lùi dự án luật ngày càng “trầm kha”
Báo cáo thẩm tra đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh chương trình năm 2018 do ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH, trình bày tại phiên họp UBTVQH chiều 16.4 khẳng định, việc lập và triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và đầu năm 2018 vẫn còn nhiều hạn chế. “Hồ sơ đề nghị xây dựng một số dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ, tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào chương trình vẫn còn diễn ra thường xuyên”, ông Định nói.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng QH, khẳng định tình trạng xin lùi, xin rút ngày càng “trầm kha” chứ không khá lên và lý do chính là thực hiện không nghiêm. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH, cũng đặt câu hỏi: Tại sao những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng luật nhiều năm qua không khắc phục được? Theo bà Nga, nguyên nhân chính là kỷ luật làm luật không nghiêm. Ngay cả các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Pháp luật cũng không chỉ ra bộ ngành nào thiếu nghiêm túc mà chỉ nêu chung chung.
Theo Lê Hiệp (Thanh Niên Online)