Sáng 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật Đặc khu). Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa cũng tham dự để giải trình thêm một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm.
Lo sốt đất
Phát biểu tại cuộc họp, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết bà rất băn khoăn về vấn đề sốt đất tại các nơi dự kiến làm đặc khu trong thời gian vừa qua.
“Hãy cẩn thận về tình trạng đất cát hiện nay. Chính các đồng chí chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm”, Phó chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long thông tin sốt đất tại Quảng Ninh chủ yếu xảy ra khoảng cuối năm 2017. Địa phương hiện đã kiểm soát được đất đai, phục vụ phát triển các dự lớn có nhu cầu về đất trong thời gian tới.
Cần hơn 1 triệu tỷ đồng đầu tư cho 3 đặc khu
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu băn khoăn và đặt câu hỏi về lợi ích mà đặc khu mang lại. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu cần trả lời rõ là 3 đặc khu sẽ mang lại lợi ích gì cho đất nước, phải bỏ ra cái gì để thu được cái gì, có thể trong ngắn hạn phải bỏ vốn ra đầu tư, nhưng trong dài hạn phải mang lại lợi ích thiết thực.
Ông Hiển dẫn lại thông tin trong ngắn hạn cần tới hơn 1 triệu tỷ đồng đầu tư cho 3 đặc khu kinh tế. Vấn đề này cần được giải trình thấu đáo.
Liên quan đến vấn đề nguồn lực đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng vốn đầu tư cho đặc khu phải thu hút, chứ không phải từ ngân sách.
“Về ngân sách đầu tư, như số tiền đề cập là cần trên 1 triệu tỷ đồng, thì phải khẳng định phần lớn là thu hút đầu tư chứ không phải từ ngân sách. Ngân sách đầu tư phát triển cả nước 5 năm có 2 triệu tỷ đồng thì làm sao bỏ vào đây 1 triệu tỷ”, bà Ngân nói.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đặc khu sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Theo ông Dũng, vẫn cần vốn đầu tư cho đặc khu nhưng chỉ là vốn mồi, làm hấp dẫn các nhà đầu tư.
“Về tính hiệu quả, cơ quan soạn thảo đã phối hợp với tập đoàn tư vấn nước ngoài xây dựng 3 kịch bản về đặc khu. Một phương án là không xây dựng, 2 phương án còn lại là thành lập với điều kiện phát triển trung bình và thuận lợi. Cả 2 phương án thành lập thì cho thấy thu ngân sách, thu nhập cho người dân và đóng góp cho GDP đều hơn hẳn không thành lập”, Bộ trưởng Dũng giải trình.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giữ nguyên các chính sách ưu đãi hiện tại, bởi Chính phủ đã rà soát, thu hẹp hơn nữa sẽ làm giảm tính cạnh tranh.
Theo Hiểu Công (Tri Thức Trực Tuyến)