Ông Nguyễn Thống Nhất, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc cho biết, Phú Quốc (Kiên Giang) đang có một cơn sốt đất từ những người ở Hà Nội.
Đặc biệt, những người Hà Nội vào Phú Quốc mua đất với số tiền lớn, đất gì, giá nào cũng mua bằng được.
Trong khi đó, nhiều người chưa hiểu hết các chính sách pháp luật dẫn đến việc tư vấn mua bán đất đai lộn xộn: đất công viên cây xanh cũng mua bán, đất công trình công cộng cũng đưa ra giá tiền tỷ.
"Cần tuyên truyền để bà con biết đất công viên cây xanh mua là không thể xây dựng được, mua đất rừng cũng không xây dựng được. Tình trạng bây giờ là cỡ nào cũng mua, mua vô tội vạ" - ông Nhất nhấn mạnh.
Điều đáng gây chú ý đối với vị lãnh đạo Ban Quản lý KKT Phú Quốc là người Hà Nội tới đây mua đất.
"Phân tích về mặt kinh tế sẽ thấy rằng TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai là những trung tâm kinh tế, nhưng tiền nhàn rỗi để người dân kinh doanh bất động sản cũng không nhiều như vậy" - ông Nhất nói.
Thay vào đó, có các thông tin cho rằng người Trung Quốc nhờ/thuê người miền Bắc vào Phú Quốc mua đất khiến cho giá đất ở đây không ngừng sốt.
Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, thông tin này chưa được ông kiểm chứng.
"Có nghe dư luận nói có người Đài Loan, Trung Quốc đến đây mua đất. Mình nghe và biết vậy thôi, chứ giấy tờ mua bán đất thì người Việt hết. Đây cũng là vấn đề nhạy cảm, thận trọng" - Zing.vn dẫn lời ông Hưng.
Việc mua bán bát nháo như hiện nay một là sẽ gây sốt giá, hai là vấn đề trật tự đô thị quản lý không nổi.
Sốt cả đất giao để trồng rừng
Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Phú Quốc cho biết từ tháng 9/2017 đến nay, mỗi tháng đơn vị tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Tức là bình quân mỗi ngày, văn phòng này tiếp hơn 30 khách đến giao dịch trong thời điểm giá đất "cực sốt".
Tuy nhiên, lượng khách thực tế đến giao dịch trong ngày thậm chí lên khoảng 300-400 người.
Dọc theo những tuyến đường chính của đảo Phú Quốc, từ thị trấn An Thới lên xã Hàm Ninh, Dương Tơ, Cửa Dương, Cửa Cạn đến Gành Dầu xuất hiện la liệt áp-phích ghi nội dung bán đất nền, "đất công" (một công tương đương 1.000 m2) được treo, dán trên trụ điện, cành cây.
Ở đường 30-4 (thị trấn Dương Đông) hiện có một quán cà phê là địa điểm tụ họp của hầu hết giới kinh doanh bất động sản ở Phú Quốc. Tại đây, các "cò" đất ăn mặc sang trọng, mỗi người trang bị ít nhất 3 máy điện thoại di động, "làm việc" không biết mệt mỏi.
Ông Thái Ngọc Lý ở khu phố 4, thị trấn Dương Đông cho biết giá đất ở Phú Quốc thay đổi từng ngày. Vì vậy, người mua đất nếu đồng ý giá nhưng không đặt cọc thì chỉ một ngày sau là chủ đất nâng lên giá khác.
"Giá đất biến động như giá vàng. Ba năm trước bạn tôi mua 1.000 m2 đất ở đường tránh thị trấn Dương Đông với giá 800 triệu đồng, bây giờ có người trả giá 18 tỷ đồng mà anh ấy không bán", ông Lý chia sẻ.
Khu đô thị 67,5 ha trên đường Dương Đông - Cửa Cạn hiện đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng nhưng chưa có nhà được xây. Một bảo vệ tại đây cho biết giá đất khu đô thị tăng từ 6 triệu đồng vào năm trước lên 30 triệu đồng/m2 ở hiện tại. Nhiều người ở các tỉnh phía Bắc vào mua 10-20 nền để đầu cơ, chứ không mua riêng lẻ vài nền để xây nhà.
Đặc biệt, còn có tình trạng người dân bán cả đất... nhận khoán trồng rừng.
Ông Nguyễn Văn Thái - phó chủ tịch UBND xã Hàm Ninh - xác nhận chính quyền có nghe phản ảnh việc một số hộ nhận giao khoán rừng âm thầm chuyển nhượng đất dưới hình thức giao sổ nhận khoán bất hợp pháp.
Theo ông Nguyễn Thống Nhất, nếu người nào mua đất quy hoạch cây xanh hay đất rừng, thuộc diện không thể cấp phép xây dựng được mà thực hiện xây nhà thì cần mạnh tay tháo dỡ, dù có tổn hại đến tài sản của chủ công trình.
Đội trưởng Đội trật tự đô thị huyện Phú Quốc Phan Bá Bắc cho biết, nhiều người mua được tư vấn mua đất nông nghiệp rồi tách thửa thành từng lô để bán nền lô 100-200 mét vuông cũng nghe theo. Tuy nhiên điều này gây khó khăn cho việc cấp phép xây dựng.
Một cán bộ cấp phòng tại huyện Phú Quốc nói với Zing.vn: "Nếu nằm trong quy hoạch đất ở thì cho chuyển mục đích rồi cấp phép xây dựng. Còn nằm trong quy hoạch đất nông nghiệp mà xây nhà không phép thì tháo dỡ. Như vậy thì người dân sẽ không dám mua đất để xây trái phép nữa".
Theo Cúc Phương (Báo Đất Việt)