Ngày 31/8, trên trang Oilprice, giá dầu Brent chuẩn giảm 5,5%, về ngưỡng 99,31 USD/thùng, tương ứng giảm 5,68 USD; dầu WTI giao dịch mức 92,01 USD, gần như đi ngang so 24 giờ trước.
Trong khi đó, dữ liệu cập nhật của Bộ Công Thương đến ngày 26/8 cho thấy, trên thị trường Singapore, xăng A95 có giá 111,05 USD/thùng, xăng A92 là 108,1 USD/thùng, dầu diesel là 149,1 USD/thùng. Mức giá này ngang với ngày 22/8 về mặt hàng xăng, nhưng tăng mạnh ở dầu diesel (tăng 12 USD/thùng).
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, giá xăng dầu thế giới liên tục diễn biến thất thường trong tuần qua, nhưng nhìn chung là có xu hướng tăng. Việc dầu thế giới và giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore tăng mạnh sẽ khiến giá bán lẻ mặt hàng này ở trong nước tăng theo.
"Trong kỳ điều hành tới, cơ quan quản lý chắc chắn sẽ điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng, dầu, nhất là mặt hàng dầu diesel. Tuy nhiên, mức tăng còn tùy thuộc vào trích lập quỹ Bình ổn giá (BOG) và diễn biến giá dầu trước ngày điều chỉnh", vị này nói trên VTC News.
Trước đó, vị này dự báo, với xu hướng hiện tại, giá xăng dầu được dự báo tăng khoảng 1.500 - 2.000 đồng/lít. Trường hợp quỹ BOG được nhà chức trách sử dụng thì mức tăng sẽ ít hơn.
Theo quy định, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh vào ngày mai (1/9). Nhưng 1/9 trùng dịp nghỉ lễ Quốc khánh nên thời gian điều chỉnh có thể sẽ được lùi lại ngày 5/9.
Tuy nhiên, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương điều hành giá bán lẻ xăng dầu sớm hơn, tức vào ngày 1/9. Nguyên nhân là tổng nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng song giá thành phẩm thế giới, nhất là dầu diesel tăng mạnh từ sau kỳ điều hành ngày 22/8. Đến ngày 25/8, giá dầu diesel tăng 16,6% so với kỳ điều hành 22/8.
Trường hợp điều hành giá xăng dầu vào 5/9 thay vì 1/9, tức chậm hơn chu kỳ thông thường, Hiệp hội Xăng dầu lo ngại sẽ khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước có độ trễ nhất định, không phản ánh đúng xu hướng tăng của giá thế giới. Điều này gây khó khăn cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu trong đảm bảo nguồn, nhất là tạo tâm lý găm hàng, đầu cơ gây bất ổn thị trường.
Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho biết, nếu giá xăng dầu được điều chỉnh ngày 1/9 thì mức tăng có thể là 200-300 đồng với mỗi lít xăng và 2.400-2.800 đồng với mỗi lít dầu. Mức tăng cụ thể ra sao sẽ còn phụ thuộc vào việc trích lập quỹ bình ổn.
Vị này cũng cho rằng nếu lùi thời gian điều chỉnh tới ngày 5/9 thay vì 1/9 thì nguồn cung trong nước sẽ có những gián đoạn không nhỏ bởi tình trạng găm hàng, tích trữ, trục lợi.
Thực tế, trong nhiều ngày qua, nguồn cung nhiều nơi đứt gãy. Không ít đại lý, phân phối than khó khăn trong nhập hàng. Theo ghi nhận của Dân Trí, tại Tuyên Quang xuất hiện tình trạng cửa hàng đóng cửa vì hết hàng. Một số cửa hàng cho biết, mỗi ngày chỉ nhập được vài nghìn lít xăng nên nhanh chóng hết.
Ngoài ra, phản ánh từ báo chí cũng cho thấy một số cây xăng ở An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, Sóc Trăng... xảy ra tình trạng đóng cửa khi nguồn cung nhỏ giọt, càng bán càng lỗ.
Trong tình hình đó, Bộ Công Thương mới đây lập 3 đoàn công tác để kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước. Đoàn sẽ tập trung chỉ đạo việc kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh bao gồm cả thương nhân kinh doanh, đại lý, cửa hàng bán lẻ… Đoàn tập trung kiểm tra những nơi thông báo hết hàng, có dấu hiệu găm hàng, không thực hiện đúng nghĩa vụ và các quy định tại Nghị định số 95 về kinh doanh xăng dầu.
PN (Nguoiduatin.vn)