Thị trường vàng chao đảo, trong vài ngày đã có 2 cú sốc và được dự báo có thể còn biến động mạnh trong thời gian tới theo sự khó lường của thế giới cũng như những chính sách mà ông Donald Trump vạch ra cho nước Mỹ và phản ứng của các thị trường tài chính thế giới.
Đảo chiều liên tục, thị trường vàng trong nước và quốc tế không ngừng biến đổi trong suốt cả phiên giao dịch đón nhận kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 9/11 và sự chao đảo vẫn chưa dừng lại. Giới đầu tư quay cuồng với những dự báo trái chiều.
“Chưa bao giờ giá vàng đảo chiều liên tục như vậy. Trong các đợt sốt các năm trước đây, vàng thường tăng một chiều lên rất mạnh, vượt quá kỳ vọng rồi rớt nhanh về một mức cân bằng. Nhưng lần này, vàng chao đảo liên tục, vọt lên, rớt mạnh rồi lại tăng trở lại”, ông Nguyễn Văn Tám, một nhà đầu tư vàng nhìn nhận.
Theo NĐT này, hiện tượng thị trường vàng chao đảo trong tuần trước và đầu tuần này là điều dễ hiểu. Giá vàng biến động theo cuộc chạy đua lịch sử giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton. Tuy nhiên, những biến động sau khi ông Trump đã chiến thắng mới là điều đáng bàn.
Giá vàng chao đảo trong vài phiên qua. |
Trên thực tế, giá vàng đã tăng vọt cả triệu đồng vọt qua ngưỡng 37 triệu đồng/lượng sau khi chiến thắng của ông Trump được công bố. Giá vàng thế giới trước đó đã tăng vọt hơn 5% do giới đầu tư lo ngại về sự khó lường của vị tổng thống mới này.
Nhưng khá bất ngờ, trong khi giới đầu tư nhấp nhổm mua vào thì giá vàng trong nước quay đầu rớt mạnh, đánh mất gần như toàn bộ những gì đã có trước đó. Giá vàng trong nước ngày 10/11 rớt gần 800 ngàn đồng về ngưỡng 36 triệu đồng. Giá vàng thế giới từ đỉnh gần 1.340 USD rớt về sát 1.270 USD nhưng lại đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại. Tới chiều 10/11 đã lên trên 1.290 USD/ounce.
Theo Doji, giá vàng biến động lúc đi ngang, lúc tăng nhanh rồi lại đảo chiều giảm, biến đổi không ngừng khiến các NĐT hoang mang không biết nên chọn xu hướng nào để gia nhập thị trường. Trước đó, nhiều NĐT kỳ vọng vào mức giá bùng nổ ở những phiên kế tiếp. Tuy nhiên, những diễn biến mới cho thấy còn nhiều điều bất ngờ.
Trước đó khoảng 1 tuần, giá vàng trong nước cũng đã từng bùng nổ tăng có lúc lên tới 37,45 triệu đồng/lượng theo biến động tăng giá trên thế giới sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất ở mức 0,25-0,5% sau một cuộc họp lặng lẽ.
Trong cùng ngày hôm đó (3/11), giá vàng nhanh chóng rớt hơn 1 triệu đồng/lượng từ đỉnh cao ghi nhận giữa giờ sáng xuống còn 36,3 triệu đồng/lượng vào cuối giờ chiều. Tuyên bố của tòa án phủ nhận quyền kích hoạt quá trình rời EU (Brexit) của chính phủ Anh đã khiến vàng thế giới lao dốc.
Vàng bùng nổ vì “ác mộng” rồi lại bị vùi dập khi giới đầu tư trấn tĩnh trở lại, rồi lại tăng nhanh. Thị trường dường như ngày càng biến động mạnh hơn, bất định hơn và lại có nhiều dự báo cho thấy giá vàng có thể lên những đỉnh cao mới trong thời gian tới.
Lên 50 triệu: Kịch bản vàng dưới thời Trump?
Trái ngược với sự ồn ào, những lời lẽ không mấy hay ho về ông Trump trước đó, hàng loạt các nhận định về vị tổng thống thứ 45 của Mỹ đang theo chiều hướng tích cực hơn. Theo đó, mọi thứ chưa kết thúc, nền kinh tế Mỹ sẽ vẫn phát triển, thậm chí có thể còn tốt hơn dưới bàn tay của một tỷ phú.
Mặc dù vậy, không ít những cảnh báo cho rằng, sự ổn định có thể chỉ là tạm thời, vàng đã bước vào một vòng xoáy mới. Giá kim loại này có thể lên trên 1.800 USD/ounce (tương đương khoảng 50 triệu đồng/lượng), thậm chí cao hơn nữa. Sự lặng sóng trên thị trường chỉ là tạm thời trước một cơn bão lớn kéo dài.
Ông Trump thắng cử, vàng được dự báo tăng mạnh. |
Viễn cảnh mà một số ngân hàng ở Phố Wall đã đưa ra là: vàng sẽ tăng giá và phải tăng giá, các chính sách của Trump sẽ góp phần thêm vào cách thức và tốc tộ tăng giá của loại hàng hóa đặc biệt này.
Điều mà ABN Amro hay một số NH và quỹ như HBSC, Incrementum AG… nói tới là các chính sách của Trump theo hướng đẩy mạnh chi tiêu chính phủ không dễ vực dậy được một nền kinh tế mà lãi suất thấp kéo dài cả thập kỷ nhưng chưa hồi phục được vững chắc và vẫn gây thất vọng lớn tới phần lớn cử tri nước này. Nhưng, chính sách “Làm cho nước Mỹ mạnh hơn một lần nữa” của ông Trump có thể khiến lạm phát tăng vọt.
Một chuyên gia từ ABN Amro từng cho rằng, những chính sách, hành động và lời nói của ông Trump có thể dẫn tới sự bất ổn trong nước và quốc tế và dẫn tới những biến động tồi tệ.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường vàng có thể chưa xác định xu hướng rõ ràng. Trump sẽ không được làm gì nhiều trong 100 ngày đầu tiên. Thượng và hạ viện sẽ ngăn cản những thay đổi lớn.
Điều đáng lo ngại mà một số chuyên gia đưa ra là nếu ý tưởng “chi tiêu để lấy lại vị thế của nước Mỹ” được thông qua. Khi đó, ông Trump sẽ đổ tiền vào cơ sở hạ tầng như một người say sóng. Và liệu Fed có trở thành một tay cờ bạc và Bộ Tài chính Mỹ thành một nhà phát triển BĐS? Khi đó lạm phát sẽ lên tới trời xanh? Và giá vàng sẽ tăng mạnh?
Điều đáng lo ngại nằm ở chỗ, cách thức thúc đẩy kinh tế của ông Trump có thể sẽ rất khác, theo như những gì đã vạch ra trong kế hoạch tranh cử. Ông Trump không thích cách thức kích thích kinh tế thông qua các chương trình nới lỏng định lượng (QE) thông qua lãi suất thấp hay phát hành nợ, mà thay vào đó có thể sẽ là “tiền trực thăng”, một cách bơm tiền nhanh, như những gì mà nước Nhật đã tính tới để chấm dứt sự ì ạch của nền kinh tế cho dù lãi suất đã ở mức thấp kỷ lục.
Rất có thể, nước Mỹ sẽ thấy lại bóng dáng của thời những năm 195-1970 khi mà chính phủ tung tiền vào rất nhiều cuộc chiến tranh. Lạm phát có thể sẽ bùng nổ như những năm 70, thời kỳ mà vàng tuần tự theo 1 chiều tăng lên, chung cuộc gấp 25 lần.
Trước mắt, theo một số chuyên gia trên Kitco, sự chú ý đang dồn về cuộc họp của Fed trong tháng 12 tới, xem lãi suất có được tăng lên hay không. Nếu có, giá vàng được dự báo có thể giảm nhưng không nhiều. Lực mua vàng vật chất bất ngờ tăng mạnh, nhất là ở châu Âu sau khi Trump thắng cử, được xem là yếu tố hỗ trợ cho vàng.
Theo V. Minh (VietNamNet)