Nhìn lại thảm kịch hàng không rúng động châu Âu khiến Tổng thống Ba Lan cùng 95 người khác thiệt mạng

10/04/2025 14:04:02

Ngày 10/4/2010, chiếc máy bay Tupolev Tu-154M chở Tổng thống Ba Lan Lech Kaczyński cùng phái đoàn cấp cao gặp nạn gần sân bay Smolensk (Nga), khiến toàn bộ 96 người thiệt mạng.

Hành trình định mệnh

Vào sáng ngày 10/4/2010, chiếc chuyên cơ Tupolev Tu-154M của Không quân Ba Lan cất cánh từ Warsaw, mang theo Tổng thống Lech Kaczyński, phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao đến dự lễ tưởng niệm 70 năm vụ thảm sát Katyn tại Smolensk, Nga. Chuyến đi mang ý nghĩa lịch sử và biểu tượng đoàn kết dân tộc, song đã kết thúc bằng một bi kịch chưa từng có.

Nhìn lại thảm kịch hàng không rúng động châu Âu khiến Tổng thống Ba Lan cùng 95 người khác thiệt mạng
Tổng thống Lech Kaczyński và phu nhân

Khoảng 10h41 sáng (giờ địa phương), khi máy bay đang tiếp cận sân bay quân sự Smolensk-Severny trong điều kiện sương mù dày đặc, tầm nhìn cực kỳ hạn chế, nó đã hạ độ cao quá nhanh và va chạm với ngọn cây cách đường băng khoảng 1km. Chiếc máy bay mất kiểm soát, vỡ nát khi lao xuống khu rừng gần đó. Tất cả 96 người trên khoang thiệt mạng.

Trong số các nạn nhân có Tổng thống, phu nhân, các chỉ huy quân đội, lãnh đạo ngân hàng trung ương, nghị sĩ quốc hội và đại diện giới trí thức – tôn giáo, tạo nên tổn thất lãnh đạo cấp cao nghiêm trọng cho Ba Lan.

Nhìn lại thảm kịch hàng không rúng động châu Âu khiến Tổng thống Ba Lan cùng 95 người khác thiệt mạng - 1
Hiện trương vụ rơi máy bay

Có thể nói, đây là một trong những vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất trong lịch sử châu Âu hiện đại.

Kết quả điều tra và các phân tích ban đầu

Ngay trong tháng 5/2010, sau khi phân tích hộp đen ghi âm buồng lái, Edmund Klich – người đứng đầu Ủy ban điều tra tai nạn phía Ba Lan – khẳng định sai sót từ phi hành đoàn là yếu tố trực tiếp dẫn tới tai nạn. “Các phi công đã bỏ qua mọi cảnh báo từ hệ thống điều khiển tự động của máy bay và mạo hiểm”, ông Klich phát biểu với tờ Rech Pospolita , trích dẫn bởi RIA Novosti .

Tiếp theo đó, tháng 6/2010, phía Nga đã bàn giao hơn 1.300 tài liệu điều tra liên quan cho Ba Lan. Chủ tịch Ủy ban Hàng không Liên bang Nga (IAC) khi đó – bà Tatyana Anodina – xác nhận lỗi thuộc về phi hành đoàn. Báo cáo của IAC nêu rằng tổ bay đã không chuyển hướng tới sân bay thay thế như khuyến cáo, do lo ngại có thể khiến Tổng thống không hài lòng.

Nhìn lại thảm kịch hàng không rúng động châu Âu khiến Tổng thống Ba Lan cùng 95 người khác thiệt mạng - 2

 

Bài học từ một bi kịch

Dù đã hơn một thập kỷ trôi qua, Ba Lan vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức cuối cùng về nguyên nhân vụ tai nạn, do nhiều luồng thông tin và những tranh cãi kỹ thuật còn tồn tại giữa các bên. Tuy nhiên, giới chuyên môn đều đồng thuận rằng vụ tai nạn là hệ quả từ tổ hợp các yếu tố: điều kiện thời tiết khắc nghiệt, quyết định không chuyển hướng và môi trường áp lực trong buồng lái.

Thảm họa Smolensk từ đó trở thành bài học sâu sắc về tầm quan trọng của việc tuân thủ quy trình an toàn hàng không, đặc biệt trong bối cảnh chuyến bay chở nguyên thủ quốc gia và phái đoàn cấp cao. Các chuyên gia hàng không cho rằng, bất kỳ sự gián đoạn, can thiệp hoặc áp lực nào trong buồng lái đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyết định của tổ bay – đặc biệt là trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Nhìn lại thảm kịch hàng không rúng động châu Âu khiến Tổng thống Ba Lan cùng 95 người khác thiệt mạng - 3

Đây không chỉ là mất mát lớn của một quốc gia, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh toàn cầu về an toàn hàng không và tính độc lập chuyên môn trong quá trình điều khiển bay.

Theo Phạm Trang (Thanh Niên Việt)

Nổi bật