Nợ phải trả của VEC gấp 8 lần vốn chủ sở hữu
Báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2017 đã được Chính phủ gửi đến Quốc hội. Theo báo cáo, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2017, có 526 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp nhà nước).
Trong đó, có 07 tập đoàn kinh tế; 58 tổng công ty nhà nước, không bao gồm số liệu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam do đang thực hiện tái cơ cấu theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ; 18 Công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con; 443 Công ty TNHH MTV độc lập thuộc Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Tổng tài sản của các DNNN là 3.015.478 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2016. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 39% tổng tài sản.
Trong đó khối các TĐ,TCT, Công ty mẹ - con có tổng tài sản là 2.776.384 tỷ đồng, chiếm 92% tổng tài sản; các Công ty TNHH MTV độc lập còn lại có tổng tài sản là 239.094 tỷ đồng, chiếm 8% tổng tài sản.
Vốn chủ sở hữu của các DNNN là 1.371.561 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2016. Trong đó, khối các TĐ,TCT, Công ty mẹ - con là 1.227.124 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2016, chiếm 91% tổng vốn chủ sở hữu (khối các TĐ là 952.224 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2016; khối các TCT là 247.686 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2016; khối công ty mẹ - con là 27.214 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2016).
Về tình hình hoạt động kinh doanh tỷ suất lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp/vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) bình quân chung của các doanh nghiêp nhà nước năm 2017 là 10,2% (năm 2016 là 7,6%). Tỷ suất lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp/tổng tài sản (ROA) bình quân chung năm 2017 là 7,4% (năm 2016 là 5,7%)… Ngoài ra, dù tổng tài sản lên tới hơn 3 triệu tỷ đồng nhưng các doanh nghiệp Nhà nước đang nợ tới hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so với thực hiện năm 2016. Số nợ này chiếm đến 56,5% tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2016 là 1,25 lần - cao hơn mức 1,22 lần hồi năm 2015. Trong đó, 20 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu hơn 3 lần, thậm chí lên hàng chục lần.
Trong đó, riêng đối với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc (VEC), tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 8,07 lần. Với riêng Công ty mẹ - TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, con số này là 8,1 lần.
Không chỉ vậy, thời gian qua, dự án cao tốc 34.000 tỷ chi chít “ổ voi” (cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận khi cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa thông xe chưa lâu đã xuất hiện chi chít “ổ gà, ổ voi” và theo giải thích của chủ đầu tư là do mưa lớn.
Chính phủ thắng thắn thừa nhận rằng, so với khu vực doanh nghiệp khác và so với các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề kinh doanh thì kết quả trên tuy có tiến bộ, nhưng chưa tương xứng với nguồn lực vốn, tài sản đã giao cho các doanh nghiệp nhà nước (trừ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên).
Nợ khó đòi vượt 14.000 tỷ đồng
Phần báo cáo về 83 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con cho thấy, tổng tài sản của khối này tăng 2%, lên gần 2,8 triệu tỷ đồng.
Báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty có tổng các khoản phải thu là 409.074 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện năm 2016. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 14.114 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2016, chiếm 3,8% tổng số nợ phải thu.
Tỷ lệ các khoản phải thu/tổng tài sản năm 2017 là 13,5% (số liệu báo cáo hợp nhất) và 22% (số liệu báo cáo công ty mẹ).
Báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty có tổng các khoản phải thu là 409.074 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện năm 2016. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 14.114 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2016, chiếm 3,8% tổng số nợ phải thu.
Tỷ lệ các khoản phải thu/tổng tài sản năm 2017 là 13,5% (số liệu báo cáo hợp nhất) và 22% (số liệu báo cáo công ty mẹ).
Một số công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản ở mức cao (trên 50%) được nêu tên, như Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (nợ phải thu 12.057,5 tỷ đồng, bằng 58%); Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà (nợ phải thu 8.584,702 tỷ đồng, bằng 54%); Công ty mẹ - Tổng công ty Đông Bắc (nợ phải thu 6.182,272 tỷ đồng, bằng 70%)...
Một doanh nghiệp có giá trị hợp nhất của chỉ tiêu nợ phải thu khó đòi năm 2017 ở mức cao như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (6.956 tỷ đồng); Tập đoàn Cao su Việt Nam (1.557 tỷ đồng); Tập đoàn Viễn thông quân đội (1.406 tỷ đồng); Tổng công ty Lương thực Miền Nam (655 tỷ đồng); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (309 tỷ đồng)...
Còn nợ phải thu khó đòi theo báo cáo của Công ty mẹ, đứng đầu vẫn là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (2.399 tỷ đồng). Tiếp theo là Tập đoàn Viễn thông quân đội (946 tỷ đồng); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (695 tỷ đồng); Tổng công ty Lương thực Miền Nam (661 tỷ đồng); Tổng công ty Viễn thông Mobifone (510 tỷ đồng); Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (417 tỷ đồng)...
Báo cáo cũng điểm danh một số tập đoàn, tổng công ty có số nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng tương đối lớn như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (146.585 tỷ đồng); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (132.071 tỷ đồng); Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (48.648 tỷ đồng); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (28.417 tỷ đồng); Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (12.843 tỷ đồng); Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (10.307 tỷ đồng)...
Chính phủ khái quát, về cơ bản, theo báo cáo của các tập đoàn, tổng công ty thì phần lớn các công ty mẹ đều bảo toàn được vốn chủ sở hữu (trừ một số doanh nghiệp có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh bị lỗ).
Theo Hoàng Nhật (Dân Việt)