Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là chủ đầu tư của dự án cao tốc Đà Nẵng - Quãng Ngãi trị giá 34.000 tỷ đồng vừa thông xe đã bị bong tróc, chất lượng mặt đường kém. Doanh nghiệp này được xem là "ông trùm" đường cao tốc tại Việt Nam khi giữ vai trò chủ đầu tư của hàng nghìn km đường cao tốc đã và đang triển khai.
VEC được thành lập với vốn điều lệ ban đầu 1.000 tỷ đồng, bao gồm 50 tỷ vốn ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu từ bán quyền thu phí hai trạm Cầu Giẽ và cầu Phù Đổng trong mười năm. Nhiệm vụ đầu tiên Bộ Giao thông Vận tải giao cho doanh nghiệp này là đầu tư dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50 km bằng vốn điều lệ và vốn phát hành trái phiếu công trình do Chính phủ bảo lãnh.
Sau gần 15 năm phát triển, công ty có những bước chuyển mình đáng kể về tài chính khi các dự án cao tốc trọng điểm chính thức vận hành. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014 ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ xấp xỉ 730 tỷ đồng thì đến năm ngoái đã tăng lên 2.767 tỷ đồng. Bình quân tăng trưởng doanh thu trong giai đoạn này đạt hơn 29%.
Thời điểm cách đây bốn năm, công ty đã lên phương án cổ phần hóa, song song với việc thành lập các công ty cổ phần để chuyển nhượng năm tuyến cao tốc có tổng mức đầu tư 125.572 tỷ đồng.
Nối tiếp đà tăng trưởng hai chữ số, công ty đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 3.400 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu khai thác các tuyến cao tốc chiếm hơn 92%, phần còn lại đến từ lãi góp vốn và tiền gửi đầu tư ngắn hạn.
Công ty ước tính, dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai sẽ đóng góp 1.280 tỷ đồng doanh thu. Tiếp đến là cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây với 981 tỷ, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với 646 tỷ và cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với 229 tỷ.
Do ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá nên lợi nhuận sau thuế là khoản mục biến động mạnh nhất trong kết quả kinh doanh của VEC những năm gần đây. Trước đó, lợi nhuận thường dao động quanh mức 300 - 400 triệu đồng thì đến năm 2016 công ty lại báo lỗ đến 804 tỷ. Tình hình kinh doanh nội tại diễn biến khả quan trong năm 2017, cộng thêm hoạt động tài chính thuận lợi khi lãi tiền gửi tăng và nhiều khoản phí giảm nên lợi nhuận sau thuế tăng vọt lên 936 tỷ đồng.
Theo kế hoạch được phê duyệt bởi Bộ Giao thông vận tải, mục tiêu lợi nhuận 2018 của công ty sẽ quay lại mức xấp xỉ 400 triệu đồng. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận bị “ăn mòn” là chi phí vận hành, bảo trì, chênh lệch tỷ giá và khấu hao tài sản theo doanh thu được hạch toán vào khoản mục giá vốn quá lớn.
Tính đến cuối năm ngoái, tổng nguồn vốn của VEC đạt 89.140 tỷ đồng. Nợ phải trả chiếm tỷ trọng gần 89% trong cơ cấu nguồn vốn, tương ứng 79.314 tỷ đồng. Phần lớn trong số này là vay và nợ thuê tài chính dài hạn từ ba tổ chức tín dụng gồm Ngân hàng Phát triển châu Á với 30.455 tỷ đồng, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản với 25.693 tỷ đồng và Ngân hàng Thế giới với 3.097 tỷ đồng.
Công ty dự kiến năm nay sẽ tập trung thanh toán 1.933 tỷ đồng cho các khoản vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á và lãi trái phiếu. Trong đó, thanh toán nợ gốc cho dự cao tốc Nội Bài – Lào Cai chiếm 434 tỷ đồng, dự án Bến Lức – Long Thành 158 tỷ đồng và dự án TP HCM – Long Thành – Dầu Giây là 125 tỷ đồng.
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2016 - 2020, công ty cho biết sẽ thu xếp 8.958 tỷ đồng trả nợ cho các khoản vay đến hạn của dự án, trong đó dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi chiếm hơn 1.028 tỷ đồng.
Công ty được giao chỉ tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác năm tuyến cao tốc với chiều dài tổng cộng 580 km trong vòng hai năm tới. Đồng thời, xúc tiến đầu tư thêm sáu tuyến cao tốc mới gồm Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Nha Trang, Ninh Bình – Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Quảng Ngãi – Bình Định với tổng vốn đầu tư 117.433 tỷ đồng.
Riêng năm nay, VEC dự kiến giải ngân hơn 7.000 tỷ đồng để đầu tư bốn tuyến cao tốc. Dự án Đà Nẵng – Quảng Ngãi sẽ được giải ngân 2.726 tỷ đồng để xây dựng, giải phóng mặt bằng, tư vấn giám sát và quản lý dự án.
Theo Phương Đông (VnExpress.net)