Các chủ nợ nước ngoài của chủ đầu tư cao tốc 34.000 tỷ là ai?

18/10/2018 08:27:26

Tính đến ngày 31.12.2017, nợ dài hạn của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) đã chính thức tăng vọt lên hơn 60.000 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ hơn 9.782 tỷ đồng. Điều đáng nói, người dân đang phải “cõng” thêm gánh nợ của VEC

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) được xem là "ông trùm" đường cao tốc tại Việt Nam khi giữ vai trò chủ đầu tư của hàng nghìn km đường cao tốc đã và đang triển khai khắp cả nước như Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi...

Các chủ nợ nước ngoài của chủ đầu tư cao tốc 34.000 tỷ là ai?

VEC là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), chính thức ra mắt hoạt động từ ngày 12.02.2004 với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và cũng chính là chủ đầu tư của dự án cao tốc 34.000 tỷ Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa thông xe chưa được một tháng đã chi chít "ổ gà" khiến dư luận bức xúc.

Chủ nợ là ai?

Đây là một trong 16 doanh nghiệp, tổng công ty thuộc diện quản lý của Bộ Giao thông Vận tải. Tới đây VEC sẽ được chuyển về chịu sự quản lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Mỗi dự án do VEC đầu tư đều có quy mô lên đến vài chục nghìn tỷ đồng, do vậy doanh nghiệp này có tổng tài sản khá lớn, đạt hơn 89.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2017. Trong số các doanh nghiệp nhà nước và không tính ngân hàng, quy mô tài sản của VEC chỉ đứng sau 5 tập đoàn PVN, EVN, TKV, Viettel và VNPT.

Mặc dù có quy mô tài sản lớn nhưng vốn chủ sở hữu lại khá nhỏ, đạt 9.800 tỷ đồng (vốn điều lệ của VEC chỉ ở mức 1.000 tỷ đồng).

Phần còn lại là các khoản vay và phải trả lên đến gần 79.000 tỷ đồng - gấp gần 8 lần vốn chủ sở hữu; bao gồm 18.300 tỷ nợ ngắn hạn và 60.500 tỷ đồng nợ dài hạn.

Việc huy động vốn của VEC được áp dụng cơ chế vay lại các nguồn vốn vay thương mại của các tổ chức tài chính quốc tế như nguồn OCR (vốn vay thương mại) của Ngân hàng phát triển châu Á, nguồn IBRD (Ngân hàng quốc tế về tái thiết và phát triển) của World Bank và huy động vốn chủ sở hữu của VEC để thực hiện đầu tư dự án, được Chính phủ bảo lãnh khi vay vốn thương mại và khi phát hành trái phiếu công trình…

Các chủ nợ nước ngoài của chủ đầu tư cao tốc 34.000 tỷ là ai? - 1

Chủ nợ lớn nhất của VEC là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ABD) với tổng dư nợ gốc tính đến cuối năm 2017 là hơn 1,3 tỷ USD, tương đương gần 30.000 tỷ đồng. Khoản vay lớn nhất trị giá 773 triệu USD được dùng để đầu tư cho dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Bên cạnh ADB, VEC cũng vay 25.000 tỷ đồng (tương đương 123,8 tỷ JPY) từ Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và một số khoản vay khác đến từ World Bank.

Người dân “cõng” thêm gánh nợ từ VEC

Theo báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) xác định nợ công đến 31/12/2015 theo Luật Quản lý nợ công là 2.556.039 tỷ đồng, bằng 61% GDP. Trong khi đó, báo cáo số 464 ngày 19/10/2016 của Chính phủ, nợ công đến 31/12/2015 là 2.608.421 tỷ đồng, bằng 62,2%GDP trong đó, nợ Chính phủ 2.108.349 tỷ đồng, bằng 50,3% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh 463.755 tỷ đồng, bằng 11%GDP và nợ chính quyền địa phương 36.317 tỷ đồng, bằng 0,9%GDP.

Theo tienphong.vn, sở dĩ có sự chênh lệch tới 52.382 tỷ đồng giữa hai báo cáo như vậy theo KTNN là do nợ trong nước của Chính phủ: Thiếu 477 tỷ đồng (trái phiếu ngoại tệ trong nước 432 tỷ đồng; công trái 45 tỷ đồng); tổng hợp, báo cáo vào nợ của Chính phủ không đủ điều kiện 4.177 tỷ đồng (khoản ứng từ Quỹ tích lũy cho VEC để hoàn trả trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đến hạn 2.477 tỷ đồng; khoản trái phiếu VEC được Chính phủ bảo lãnh 1.700 tỷ đồng); tổng hợp trùng khoản vay từ nguồn chi phí cải cách doanh nghiệp 830 tỷ đồng có nguồn gốc từ vay nước ngoài đã được tính vào nợ nước ngoài của Chính phủ.

Trong khi đó, nợ được Chính phủ bảo lãnh: Báo cáo thừa 10.333 tỷ đồng; báo cáo vào nợ của Chính phủ khoản bảo lãnh phát hành trái phiếu VEC 1.700 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ chính quyền địa phương thừa 32 tỷ đồng. KTNN cho rằng, do 5 dự án đường bộ cao tốc của VEC được chuyển đổi cơ chế tài chính sang nguồn vốn đầu tư trực tiếp của Chính phủ theo Quyết định số 2072 ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ (khi đó nợ Chính phủ 2.105.149 tỷ đồng, bằng 50,2% GDP).

Thực tế này đang khiến cho nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro và gánh nặng nợ công sẽ đè nặng lên đầu người dân.

Theo Huyền Anh (Dân Việt)

Nổi bật