Trong tháng 10 này, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng gần như không có nhiều thay đổi so với tháng 9. Đối với tiền gửi không kỳ hạn, lãi suất của các ngân hàng hiện niêm yết ở mức 0,1 - 02%.
Ở mức thời hạn từ 1 tháng, ngân hàng Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) có mức lãi suất cao nhất là 4%. Ngoài ra, các ngân hàng còn lại có mức lãi suất giao động không chênh lệch nhiều từ 3 - 3,9%.
Đối với kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất của các ngân hàng từ 3,2 - 4,0%/năm. Trong đó, nhóm các ngân hàng có mức lãi suất thấp như MB 3,2%, Agribank, Đông Á, Vietcombank, VietinBank và BIDV là 3,4%/năm. Lãi suất cao nhất tại kỳ hạn này phải kể đến VIB, PVcomBank và PGBank 3,9%, Nam Á Bank 3,95% và GPBank 4%/năm.
Với kỳ hạn 6 và 9 tháng Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) giữ mức lãi suất là 6,25%, cao nhất so với các ngân hàng còn lại. Thấp nhất toàn hệ thống là top 4 "ông lớn" Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank 4%/năm. 4 ngân hàng này cũng đang duy trì mức lãi suất trên cho kỳ hạn 9 tháng.
Kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) với mức lãi suất 6,8%, trong khi các ngân hàng còn lại đang ở mức 5,5 - 6,5%/năm, thấp nhất là MB với 4,85%/năm.
Với những kỳ hạn dài hơn như 13,18, 24 tháng, ngân hàng SCB 6,8%, CBBank, Bắc Á và Kiên Long 6,6%...
Kỳ hạn 23 và 36 tháng, Ngân hàng liên doanh Việt - Nga (VRB) có mức lãi suất 7%/năm, cao nhất so với các ngân hàng còn lại.
Trong khi đó, đối với các tiền gửi có điều kiện đi kèm, Techcombank là ngân hàng công bố lãi suất cao nhất 7,8%/năm cho số tiền gửi từ 999 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng và cam kết không tất toán trước hạn.
ACB công bố lãi suất huy động cao nhất là 7,1%/năm, giảm 0,3% so với tháng trước. Tuy nhiên, để được hưởng lãi suất này, khách hàng phải gửi tiết kiệm từ 30 tỷ đồng trở lên với kỳ hạn 13 tháng và lĩnh lãi cuối kỳ. Hay như SHB triển khai chứng chỉ tiền gửi với lãi suất năm đầu tiên khách hàng nhận được lên tới 7,2%/năm.
Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm huy động vốn của các tổ chức tín dụng tính đến ngày 20/9/2021 tăng 4,28%, trong khi tại cùng thời điểm năm ngoái tăng trưởng huy động vốn đạt tới 7,48%. Nguyên nhân một phần là do lãi suất tiết kiệm trên thị trường ngày càng thấp.
9 tháng đầu năm nay, lãi suất tiết kiệm đã giảm khoảng 6 – 20 điểm cơ bản cho kỳ hạn 12 tháng trong 9 tháng đầu năm 2021.
Theo Pha Lê (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)