Lãi suất tiết kiệm tăng nhẹ
Đầu tháng 8, một số ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm. Trong khi một số ngân hàng tiến hành tăng lãi suất huy động thì cũng có nhiều nhà băng giảm lãi suất huy động.
Đơn cử, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) hạ lãi suất một số kỳ hạn với mức giảm từ 0,2-0,4 điểm % so với tháng 7. Theo đó, kỳ hạn 3 tháng giảm 0,3 điểm % xuống còn 3,3%/năm; kỳ hạn 6 tháng giảm 0,4% còn 4,6%; kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2% xuống còn 5,5%; kỳ hạn 24 tháng giảm 0,3% xuống còn 6,0%/năm. Lãi suất huy động của nhà băng này tại một số kỳ hạn khác được nguyên.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong tháng 8 cũng giảm nhẹ lãi suất huy động với kỳ hạn 3 tháng ở mức 0,1 điểm %, xuống còn 3,85%/năm. Còn các kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng tiếp tục được giữ nguyên so với đầu tháng 7, với mức lãi suất lần lượt là 5,7%/năm, 6,8%/năm, 6,8%/năm.
Trái ngược với Sacombank và SCB, SHB lại tăng lãi suất ở kỳ hạn 24 tháng thêm 0,3 điểm % so với tháng 7. Lãi suất huy động kỳ hạn này hiện ở mức 5,6%/năm. Các kỳ hạn khác được ngân hàng này duy trì như hồi đầu tháng 7.
Nhiều ngân hàng khác như Vietcombank, MB, VietinBank... vẫn giữ nguyên lãi suất huy động so với đầu tháng 7.
Nhìn chung, so với tháng 7, mặt bằng lãi suất huy động trong đầu tháng 8 chưa có nhiều biến động. Một số ngân hàng tiến hành điều chỉnh lãi suất huy động nhưng chỉ ở mức tăng, giảm nhẹ. Việc điều chỉnh lãi suất tiết kiệm tăng, giảm đan xen ở các ngân hàng là diễn biến bình thường, tùy vào nhu cầu huy động vốn của mỗi ngân hàng ở từng giai đoạn.
Theo Tổng cục Thống kê, mặt bằng lãi suất huy động vào nửa đầu năm 2021 tương đối ổn định sau khi giảm mạnh vào năm 2020. Lãi suất huy động trong hơn 1 năm qua đã giảm khoảng 1,5-2,5%/năm. Lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn hiện ở mức thấp kỷ lục.
Trong bối cảnh hiện nay, lãi suất huy động khó có thể giảm thêm do không còn dư địa trước lo ngại tiền sẽ chảy mạnh sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng, tiền điện tử, cho vay nặng lãi,...
Các chuyên gia dự báo, lãi suất huy động thời gian tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi ngang do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các ngân hàng chưa gặp phải áp lực huy động khi cầu tín dụng được dự báo sẽ chậm lại.
Công ty chứng khoán VNDirect dự đoán lãi suất tiền gửi sẽ tăng nhẹ̣ 0,25-0,3 điểm % trong nửa cuối năm nay do nhu cầu tín dụng tăng nhờ sự phục hồi của nền kinh tế; áp lực lạm phát cao... Còn theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), lãi suất huy động có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ 0,1-0,2 điểm % trong nửa cuối năm.
Trong khi đó, lãi suất cho vay sẽ còn dư địa giảm thêm nhưng mức giảm sẽ không dàn trải trên toàn hệ thống.
Ngân hàng nào có lãi suất tiền gửi cao nhất?
Theo biểu lãi suất tại 31 ngân hàng trong nước vào ngày 4/8, mức lãi suất cao nhất trên thị trường tiền gửi hiện nay là 8,2%/năm, thuộc về Ngân hàng Phương Đông (OCB). Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng cần có 500 tỷ đồng trở lên và gửi tại kỳ hạn 13 tháng với hình thức lĩnh lãi cuối kỳ.
Một số ngân hàng khác cũng có lãi suất hấp dẫn, từ 7%/năm trở lên, như: Techcombank, ACB, MSB. Nhưng mức lãi suất cao này chỉ áp dụng cho những khoản tiền gửi từ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng theo quy định riêng của mỗi ngân hàng.
Trong khi đó, ở từng kỳ hạn, lãi suất huy động có sự chênh lệch khá lớn giữa các ngân hàng.
Cụ thể, với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng, lãi suất tiết kiệm tại quầy ở mức 2,5-4%. GPBank là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn này.
Tại kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất huy động gửi tại quầy được niêm yết trong khoảng 3-4%, thuộc về ngân hàng GPBank.
Với kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy dao động quanh mức 4-6,25%. NCB và CBBank là 2 ngân hàng áp dụng mức lãi suất này.
Ở kỳ hạn 9 tháng, lãi suất huy động tại quầy dao động quanh mức 4-6,4%. Ngân hàng có mức lãi suất tốt nhất ở kỳ hạn này thuộc về NCB.
Đối với kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy là 4,7-6,8%. Mức lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn này là SCB.
Tại kỳ hạn 13 tháng, lãi suất huy động tại quầy quanh mức 5-6,7%. Ở kỳ hạn 18 tháng, lãi suất huy động tại quầy trong khoảng 5-6,8%. Ngân hàng có mức lãi suất tốt nhất ở cả hai kỳ hạn trên là NCB.
Với các kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, các ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động quanh mức 5-7%. VRB là ngân hàng đứng ở vị trí quán quân về lãi suất huy động ở kỳ hạn này.
Nhiều địa phương đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, các ngân hàng khuyến nghị khách hàng có thể chọn gửi tiền online để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh vừa tiết kiệm thời gian đi lại vừa được hưởng lãi suất cao hơn so với gửi tại quầy. Hiện một số ngân hàng cộng thêm 0,1-0,5 điểm % khi khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến.
Theo Tuấn Dũng (VietNamNet)