Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục, dân ít gửi tiền vào ngân hàng

27/07/2021 14:58:51

Lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn hiện nay ở mức thấp kỷ lục đã khiến dòng tiền tích lũy của người dân dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác, lượng tiền gửi ở nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh.

Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục

Đầu tháng 7, một số ngân hàng giảm nhẹ lãi suất huy động. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1-36 tháng ở mức 0,2 điểm %. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng giảm lãi suất tiền gửi tại nhiều kỳ hạn ở mức từ 0,18-0,2 điểm %.

Theo Tổng cục Thống kê, mặt bằng lãi suất huy động vào nửa đầu năm 2021 tương đối ổn định sau khi giảm mạnh trong năm ngoái. Hiện lãi suất tiền gửi bằng VND ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,85-4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng; 3-4% với kỳ hạn 3 tháng; 4-6,25% với tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng; 4-6,4% đối với tiền gửi có kỳ hạn 9 tháng; 4,7-6,8% với tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng; 5-7% đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 13-36 tháng.

Lãi suất huy động giảm khoảng 1,5-2,5%/năm trong hơn 1 năm qua. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại nhiều ngân hàng chỉ ở mức 3,1-3,3%/năm, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục, dân ít gửi tiền vào ngân hàng
Lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn hiện nay ở mức thấp kỷ lục

Mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm. Theo VAFI, mức lãi suất này được nhiều nền kinh tế phát triển áp dụng, một số nước còn duy trì lãi suất âm (thu phí tiền gửi). Chính sách này nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp (2-5%), qua đó kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, bảo đảm an sinh xã hội cho người thu nhập thấp.

Song, ý kiến từ giới chuyên gia đều cho rằng, tại thời điểm này, việc kéo lãi suất xuống gần bằng 0%/năm là không khả thi.

Các chuyên gia nhận định, lãi suất tiền gửi quá thấp sẽ tạo ra hiện tượng người dân rút tiền gửi khỏi hệ thống ngân hàng, chuyển sang các kênh đầu tư khác gây ra những bất ổn đối với nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng có thể bị đặt trong tình trạng thiếu thanh khoản, dẫn đến thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, như vậy khách hàng đứng trước thực tế phải cạnh tranh để được vay vốn. Điều này sẽ khiến cho lãi suất cho vay bị đẩy lên, nếu không thì chi phí không chính thức vay vốn cũng tăng lên, chứ không thể giữ thấp được. Như vậy, mục đích giữ lãi suất cho vay thấp sẽ không thành.

Trong bối cảnh hiện nay, lãi suất huy động khó có thể giảm thêm do không còn dư địa trước lo ngại tiền sẽ chảy mạnh sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng, tiền điện tử, cho vay nặng lãi,...

Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo lãi suất huy động sẽ tăng 0,25-0,3 điểm % điểm trong nửa cuối năm nay do nhu cầu tín dụng tăng; áp lực lạm phát cao hơn và các ngân hàng thương mại cần duy trì mặt bằng lãi suất huy động hấp dẫn nhằm tăng huy động vốn trong bối cảnh cạnh tranh cao hơn từ các kênh đầu tư khác.

Còn theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), lãi suất huy động trong nửa đầu năm 2021 đã giảm 0,3 điểm % và sau đó ổn định ở mặt bằng thấp. VCBS cho rằng, trong nửa cuối năm nay, lãi suất huy động có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ 0,1-0,2 điểm %.

Trong khi đó, lãi suất cho vay sẽ còn dư địa giảm thêm nhưng mức giảm sẽ không dàn trải trên toàn hệ thống. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị các ngân hàng giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7 này để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.

Tiền gửi ở nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, một số ngân hàng hút mạnh tiền gửi, tăng trưởng trên 10% nhưng nhiều ngân hàng khác lại ghi nhận tiền gửi sụt giảm, dù đầu ra tín dụng vẫn tăng. Chẳng hạn: ABBank giảm 7,4%; SeABank giảm 4,7%; NCB giảm 4%; Saigonbank giảm 0,3%; PGBank giảm 0,2%.

Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục, dân ít gửi tiền vào ngân hàng - 1
Lượng tiền gửi ở nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh

Đáng chú ý, tốc độ huy động tiền gửi dân cư của các ngân hàng thương mại ở mức thấp nhất trong vòng 9 năm trở lại đây còn tiền gửi của khối tổ chức kinh tế lại có mức tăng cao hơn.

Cụ thể, theo số liệu đến cuối tháng 5 của NHNN, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 5,03 triệu tỷ đồng, tăng 3,26% so với cuối năm 202, đạt mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Còn tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,27 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,6%. Đây là lần đầu trong 5 năm qua, tăng trưởng tiền gửi của doanh nghiệp vượt dân cư trong 5 tháng đầu năm.

Trước đó, trong 4 tháng đầu năm, tiền gửi của các tổ chức kinh tế ở mức trên 5,26 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,05%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước. Mức này thấp hơn mức tăng 2,34% của khu vực dân cư. Riêng trong tháng 5, doanh nghiệp đã gửi thêm 59.121 tỷ đồng, chiếm 4/5 lượng tiền gửi tăng thêm vào hệ thống.

Nguyên nhân khiến tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng được cho là do ảnh hưởng dịch bệnh, lo ngại rủi ro khiến doanh nghiệp tích lũy tiền trong ngân hàng.

Trái ngược với mức tăng trưởng của tiền gửi của các tổ chức kinh tế, từ 2016 đến nay, tiền gửi khu vực dân cư có xu hướng tăng chậm lại. Năm 2016 tăng trưởng tiền gửi của dân cư là 11,04%, năm 2017 là 9,39%, năm 2018 là 7,5%, năm 2019 là 6,84%, năm 2020 là 4% và nay còn 2,6%.

Lãi suất tiền gửi ngân hàng ở vùng thấp được cho là một phần nguyên nhân khiến dòng tiền chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác thay cho gửi tiền vào ngân hàng. 

So với cùng kỳ các năm trước, tốc độ tăng trưởng tiền gửi đang chậm hơn rõ rệt và cũng chậm hơn so với tín dụng. Tín dụng toàn nền kinh tế 5 tháng đầu năm đã đạt gần 5% và vượt 9,6 triệu tỷ đồng.

Các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, mặt dù tiền gửi vào ngân hàng có dấu hiệu tăng chậm lại nhưng thanh khoản hệ thống chưa rơi vào tình trạng eo hẹp do tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến tín dụng có thể tăng chậm lại do nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp có thể yếu đi.

Theo Tuấn Dũng (VietNamNet)

 

Nổi bật