Sáng ngày 15/3, trao đổi với Dân trí, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho biết giá dầu thô thế giới liên tục giảm giá trong những ngày qua có thể giúp kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước ngày 21/3 "hạ nhiệt".
Theo Oilprice, sáng 15/3 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 4 được giao dịch ở mức 102 USD/thùng, giảm 1,03 USD, tương đương 1%.
Trong phiên giao dịch ngày 14/3, dầu WTI đã có thời điểm giảm tới 8,75% và được giao dịch ở mức 99,76 USD/thùng, còn dầu Brent cũng rớt 8% xuống còn 103,68 USD/thùng.
"Còn 6 ngày nữa mới đến kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước. Nếu thị trường có sự tăng đột biến, bất ngờ thì tùy vào biên độ mới có thể tính được mức tăng - giảm ra sao", vị lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu nhận định.
Tuy nhiên, theo vị này, khả năng cao vẫn là xu hướng giảm giá. Tính toán của doanh nghiệp cho thấy, giá xăng RON 95, E5 RON 92 đều đang dương khoảng 1.000 - 1.200 đồng/lít, còn dầu thì dương khoảng 3.000 - 3.500 đồng/lít.
Song doanh nghiệp cho biết, hiện quỹ bình ổn giá xăng dầu tại nhiều đầu mối đang âm hàng trăm tỷ đồng nên nếu giá cơ sở giảm cũng là dịp cơ quan điều hành tính toán việc trích lập quỹ bình ổn. Mức giảm theo đó sẽ ít hơn để bù lại lúc chi quỹ bình ổn giảm tăng "sốc".
Để hạ nhiệt thị trường, vừa qua, Chính phủ cũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự thảo nghị quyết giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đến hết năm 2022. Sau khi được thông qua, việc giảm thuế này dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/4. Sau khi giảm thuế, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh giảm 1.100 đồng mỗi lít.
Tại cuộc họp chiều 14/3, ghi nhận trên Zing, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, chắc chắn từ nay đến cuối năm giá xăng dầu của chúng ta sẽ thấp hơn các nước trong khu vực
Vì vậy, Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan bảo vệ pháp luật, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống thẩm lậu xăng dầu qua biên giới.
Cũng tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết từ đầu năm đến nay, quỹ bình ổn đã góp phần kìm mức tăng của giá xăng dầu trong nước so với thế giới. Trong đó, giá xăng dầu thế giới đã tăng 44-60% tùy mặt hàng thời gian vừa qua, trong khi ở Việt Nam, mức biến động mới vào khoảng 20-39%.
Thứ trưởng Hải cũng cho biết nguồn cung xăng dầu trong nước hiện vẫn được đảm bảo và đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân trong tháng 3.
Để bảo đảm nguồn cung trong quý II, Bộ Công Thương đã giao 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu và nếu không có diễn biến bất thường, nguồn cung trong nước vẫn được duy trì.
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bàn bạc với các nhà sản xuất xăng dầu trong nước để có biện pháp phù hợp, đáp ứng nguồn cung trong quý III”, Thứ trưởng Hải chia sẻ.
PN (Nguoidatin.vn)