Ngày 11/3, nhiều tài xế ShopeeFood bắt đầu tụ tập tại trụ sở công ty trên đường Nguyễn Văn Linh (Đà Nẵng) từ khoảng 9h30 sáng. Đến trưa, số lượng tài xế tập trung ngày càng đông hơn.
Trao đổi với phóng viên ICTnews, anh T. Bảo, đang có mặt tại đây chia sẻ, nguyên nhân các tài xế tắt app (ứng dụng) là yêu cầu công ty tăng phí ship và hỗ trợ thêm thu nhập. Ngoài những người có mặt tại công ty, nhiều shipper khác cũng tắt ứng dụng.
Shipper ShopeeFood tập trung đòi công ty hỗ trợ vì giảm thu nhập do giá xăng tăng phi mã - Ảnh 1.
Các shipper trong màu áo Shopee tụ tập ở trụ sở công ty
“Giá xăng tăng cao quá, phí hỗ trợ không có nên thu nhập không đủ bù chi phí. Do đó, anh em tập trung tại công ty xin thêm hỗ trợ chi phí để trang trải cho tiền xăng”, anh Bảo nói.
Theo chia sẻ của một số tài xế, giá xăng tăng liên tục trong thời gian gần đây đặt áp lực không nhỏ lên các shipper công nghệ. Giá cước không thay đổi trong khi chi phí ngày một tăng khiến thu nhập giảm trông thấy.
“Trung bình mỗi ngày chạy khoảng 30 đơn, từ 6h sáng tới 10h tối, tổng thu nhập hơn 400.000 đồng chưa kể các khoản phí, xăng xe. Số tiền còn lại chẳng được bao nhiêu. Vì vậy, chúng tôi đề xuất tăng phí, hỗ trợ bù lên tiền xăng để có thêm thu nhập. Tiền xăng tăng quá cao trong khi phí ship quá thấp. Nếu chạy thế này thì không có thu nhập”, anh Bảo nói.
Cũng theo đại diện nhóm tài xế, Shopee đã cử đại diện ra tiếp nhận ý kiến. Đến trưa ngày 11/3, vẫn còn rất đông shipper trong màu áo Shopee tập trung tại khu vực này,
Các tài xế công nghệ, taxi nói chung đang đứng trước áp lực lớn khi giá xăng liên tục điều chỉnh tăng thời gian gần đây. Nhiều hãng taxi, xe công nghệ, giao hàng đã phải tăng giá cước nhằm đảm bảo thu nhập cho tài xế.
Mới đây, ghi nhận trên Zing, Grab đã thông báo tăng giá dịch vụ từ 10/3. Theo đó, dịch vụ GrabCar tăng thêm 2.000 đồng mỗi cuốc xe, 5.000 đồng cho mỗi km tiếp theo; dịch vụ GrabBike tăng giá 1.500 đồng cho 2km đầu tiên và 300 đồng cho mỗi km tiếp theo. Các dịch vụ khác như GrabFood, GrabMart hay GrabExpress cũng được điều chỉnh giá theo từng khu vực.
Trước đó, Dân trí đưa tin, ứng dụng Be đã tăng giá cước tại Hà Nội từ ngày 10/2. Cụ thể, cước phí 2 km đầu của dịch vụ beBike là 14.000 đồng, mỗi km tiếp theo cước tăng từ 4.180 đồng/km lên 4.600 đồng/km. Cước phí mỗi km của dịch vụ beDelivery được ứng dụng giữ nguyên, nhưng cước phí 2 km đầu tăng từ 14.500 đồng lên 16.000 đồng.
Với dịch vụ beCar 4 chỗ, ứng dụng điều chỉnh tăng cước 2 km đầu tiên từ 27.000 đồng lên 29.000 đồng. Cước phí mỗi km tiếp theo tăng từ 9.350 đồng lên 9.500 đồng, mỗi phút di chuyển tăng từ 440 đồng lên 500 đồng. Cước phí mỗi km tiếp theo sau 12 km cũng tăng từ 8.500 đồng lên 9.000 đồng.
Đại diện Vinasun mới đây thừa nhận trên VnExpress, khả năng phải tăng giá nếu thuế, phí xăng dầu không nhanh chóng giảm. Tương tự, Tập đoàn Mai Linh cũng cho biết không "gồng" nổi các loại chi phí. Ngoài giá nhiêu liệu đầu vào đang tăng ở mức hai con số, các chi phí khác trong mùa dịch mà họ phải gánh cũng đi lên.
Chiều nay (11/3), giá xăng có lần điều chỉnh tăng thứ 7 liên tiếp, tiến sát ngưỡng 30.000 đồng/lít. So với cuối tháng 12 năm ngoái, mỗi lít xăng RON95 đã đắt thêm 7.020 đồng; E5 RON92 là 6.900 đồng, dầu diesel cao hơn 7.930 đồng; dầu hoả tăng 7.590 đồng và dầu madut thêm 5.240 đồng. Theo dự báo có thể nhiều ứng dụng gọi xe, giao hàng sẽ phải điều chỉnh giá cước.
PN (Nguoiduatin.vn)