Trên cơ sở điều hành của liên bộ Công Thương - Tài chính, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh giá xăng dầu kể từ 15h hôm nay.
Theo điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính, xăng E5RON92 giảm 509 đồng/lít, không cao hơn 21.290 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 668 đồng/lít, không cao hơn 22.322 đồng/lít.
Dầu diesel 0.05S không cao hơn 19.721 đồng/lít (giảm 475 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu hỏakhông cao hơn 20.922 đồng/lít (giảm 194 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu madút 180CST 3.5S: không cao hơn 15.527 đồng/kg (giảm 202 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Đợt này, liên bộ tiếp tục không trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu trong nước có 35 đợt điều chỉnh, trong đó 18 lần tăng, 13 lần giảm và 4 kỳ giữ nguyên.
Theo liên bộ, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 30/11/2023-06/12/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Dự trữ xăng của Hoa Kỳ bất ngờ tăng mạnh, lo ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc và nhu cầu nhiên liệu trong tương lai…các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua có biến động tăng, giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 30/11/2023 và kỳ điều hành ngày 07/12/2023 là: 89,050 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 2,706 USD/thùng, tương đương giảm 2,95% so với kỳ trước); 93,434 USD/thùng xăng RON95 (giảm 3,676 USD/thùng, tương đương giảm 3,79% so với kỳ trước); 104,908 USD/thùng dầu hỏa (giảm 1,272 USD/thùng, tương đương giảm 1,20% so với kỳ trước); 99,010 USD/thùng dầu điêzen (giảm 2,936 USD/thùng, tương đương giảm 2,88% so với kỳ trước); 455,416 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 7,944 USD/tấn, tương đương giảm 1,71% so với kỳ trước).
Mới đây, Bộ Tài chính cũng vừa có công văn gửi chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tại địa phương (Công Thương, Công an, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và đầu tư, Khoa học và công nghệ,... ) phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế thành lập các đoàn liên ngành làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Việc này nhằm nắm bắt thực tế việc triển khai phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng; thực tế hạ tầng kỹ thuật, mức độ, khả năng đáp ứng việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của tất cả các cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu tại địa phương.
Trước đó, ngày 1/12, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế trong tháng 12 này. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện sẽ bị kiểm tra, xử lý.
QT (SHTT)