Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu sắp tới (25.11), nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết, giá xăng dầu có thể giảm nếu liên Bộ Công Thương - Tài chính không trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu.
Giá xăng dầu có thể quay đầu?
Trao đổi với Lao Động, ông Đỗ Minh, một doanh nghiệp phân phối xăng dầu ở Hà Nội cho biết, giá xăng dầu có thể giảm mạnh nếu trong kỳ điều chỉnh ngày 25.11, cơ quan điều hành không trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu (BOG).
Tuy nhiên, do quỹ bình ổn đang âm sau một thời gian dài chịu áp lực từ việc tăng giá mạnh và liên tục trong thời gian qua, vị này cho rằng, không nên trông chờ vào việc chi sử dụng BOG.
Dù vậy, ông Minh cho rằng, giá xăng trong nước có thể giảm trong kỳ điều chỉnh sắp tới, bởi theo dự báo của cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nguồn cung dầu thô toàn cầu những ngày qua đã tăng - điều này có thể hãm mức cao kỷ lục của giá xăng. Dự kiến, sản lượng dầu tăng lên 1,5 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 11, 12.
Bên cạnh đó, tại thị trường thế giới, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,11% xuống 78,37 USD/thùng vào lúc 6 giờ 48 phút ngày 18.11 (theo giờ Việt Nam). Giá dầu thô Brent giao tháng 1 giảm 2,61% xuống 80,28 USD/thùng.
Giá dầu giảm và chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10.2021 sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và IEA cảnh báo tình trạng dư cung trong bối cảnh các trường hợp nhiễm COVID-19 tại Châu Âu gia tăng liên tục làm giảm khả năng nhu cầu hồi phục.
Kiềm chế đà tăng giá xăng dầu qua cơ chế hỗ trợ gián tiếp
Việc giá xăng thế giới sắp giảm cũng sẽ tác động đến thị trường xăng dầu trong nước. Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu đã được điều chỉnh từ 15 giờ ngày 10.11 theo chu kỳ 15 ngày/lần.
Sau khi điều chỉnh giá, giá bán xăng E5 RON 92 là 23.669 đồng/lít, xăng RON 95-III là 24.996 đồng/lít, dầu diesel 0.05S là 18.716 đồng/lít, dầu hỏa là 17.637 đồng/lít.
Đây là lần thứ 5 liên tiếp giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh tăng. Hiện tại, giá xăng trong nước đang ở mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây.
Để kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu trong thời gian tới, trao đổi với Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu đưa ra các biện pháp hợp lý để điều hành giá xăng dầu, nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, nhất là khi các doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ phục hồi sản xuất.
Cùng với đó, cần triển khai các gói hỗ trợ tài chính để bù đắp chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao cho doanh nghiệp và thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường.
"Thời gian qua, việc hỗ trợ giá xăng dầu từ Quỹ Bình ổn đã làm cho tốc độ tăng giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn 8% so với tốc độ tăng của giá xăng dầu thế giới.
Tuy nhiên, nguồn Quỹ không phải là vô hạn và khi công cụ bình ổn tỏ ra kém hiệu quả, cần có ngay giải pháp hỗ trợ về giá xăng dầu cho các doanh nghiệp ngành vận tải, khai thác… bằng cách giúp họ có thể tiếp cận nguồn vốn vay để có thể quay vòng hoạt động kinh doanh, đặc biệt đối với những doanh nghiệp ở những địa bàn bị thiệt hại lớn do dịch vừa qua”, ông Thịnh đề xuất.
Nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa cho những tháng cuối năm 2021, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có công văn tới các đầu mối kinh doanh xăng dầu, đề nghị chủ động tìm kiếm nguồn hàng, cung cấp đầy đủ cho thị trường nội địa các loại xăng dầu doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh, không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần có phương án về nguồn hàng xăng dầu (từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu) để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Theo Anh Tuấn (Lao Động)