Trước đề xuất giảm thuế phí để ghìm đà tăng của giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, đang nghiên cứu thực hiện theo thẩm quyền để báo cáo Chính phủ. Trong khi đó, để giảm hoặc ổn định xăng dầu thì các chuyên gia nói chỉ có thể sử dụng giải pháp giảm các loại thuế.
Như vậy, giá xăng RON 95 đã tiến sát ngưỡng 25.000 đồng/lít, chỉ còn cách mức "đỉnh" lịch sử thiết lập hồi tháng 7.2013 (25.070 đồng/lít) khoảng 80 đồng. Và tăng liên tiếp trong 5 lần điều chỉnh vừa qua.
Để ghìm đà tăng giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ quý III.2021, Bộ đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát giảm các loại thuế phí, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này. Vì điều hành giá xăng dầu là nhiệm vụ của Bộ Công Thương, nhưng chính sách giảm thuế phí thì do Bộ Tài chính tính toán.
Ngày 16.11, trao đổi với Lao Động, ông Trương Bá Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã nhận được đề xuất giảm thuế phí để giảm giá xăng của Bộ Công Thương.
Khi được hỏi về kế hoạch cụ thể hay lộ trình giảm các loại thuế phí như thế nào?, ông Tuấn cho biết, đơn vị đang nghiên cứu chứ chưa có kế hoạch cụ thể.
"Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu thông tin để tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính nội dung công văn của Bộ Công thương. Khi nào có thông tin cụ thể, đơn vị sẽ công bố rộng rãi” - ông Tuấn nói thêm.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho hay, trong cơ cấu hình thành giá xăng dầu hiện nay, thuế và phí chiếm hơn 40% và xăng dầu đang phải gánh 4 loại thuế, gồm: Thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường (chưa kể thuế thu nhập do doanh nghiệp gánh).
Trong đó, riêng thuế môi trường với mỗi lít xăng đang ấn định cứng ở mức 3.000-4.000 đồng/lít do người tiêu dùng chịu. Nếu xem xét giảm các khoản thuế này cùng với điều hành linh hoạt và hiệu quả Quỹ Bình ổn giá, chúng ta sẽ kiểm soát được đà tăng.
Trong khi đó, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) Ngô Trí Long cho rằng, giá xăng tăng cao sẽ có tác động rất lớn, nhất là đối với chi phí đầu vào của các ngành sản xuất và tiêu dùng trực tiếp như vận tải, đánh bắt cá xa bờ, nông nghiệp sử dụng xăng dầu…, đồng thời tác động mạnh tới mặt bằng giá, dẫn tới nguy cơ lạm phát.
Theo ông Long, trong bối cảnh hiện nay, có 2 cách giúp kéo giảm hoặc ổn định xăng dầu. Trong bối cảnh Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tương đối cạn kiệt vì xả liên tục nhiều tháng qua, chỉ có thể sử dụng giải pháp giảm các loại thuế phí.
Theo An Huy (Lao Động)