Trong vài năm trở lại đây, sự bùng nổ của internet, thiết bị di động đã thu hút đông đảo doanh nghiệp, cá nhân tham gia thương mại. Bất kỳ ai cũng có thể tham gia giao dịch thương mại điện tử, bởi vậy số lượng rất lớn, nằm rải rác trên khắp cả nước chính điểm này gây nên sự khó khăn trong công tác chống gian lận thương mại.
Các cơ quan quản lý thương mại, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng ngày càng đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc chiến chống hàng giả không biên giới trên các sàn thương mại điện tử.
Nếu bán hàng lậu, hàng nhái, hàng giả ở cửa hàng, lực lượng quản lý thị trường đến kiểm tra có thể xử lý vi phạm ngay, nhưng thương mại điện tử đang trở thành kênh tiêu thụ hàng giả, hàng gian rất hiệu quả. Tình hình này trên mạng diễn ra rất công khai qua các website bán hàng trên mạng, qua các trang thương mại điện tử, đặc biệt qua nền tảng mạng xã hội... Thậm chí hàng cấm cũng được bán trên mạng, ảnh hưởng tới lòng tin của xã hội của người tiêu dùng.
Tại cuộc họp về chống hàng gian lận xuất xứ, hàng giả trên kênh trực tuyến (online), ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường, đã nhắc đến vấn nạn gian lận thương mại đang “bùng nổ” trên các sàn, trang web thương mại điện tử hay mạng xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, các trang web thương mại phát triển bùng nổ trong 7 năm qua, từ 763 trang web năm 2013 đã tăng lên 10.000 trang web vào năm 2016. Quy mô thị trường thương mại điện tử cũng tăng lên nhanh chóng, từ 5 tỉ đô la năm 2016, tăng lên 8 tỉ đô la sau đó 2 năm, và đến năm 2020 được dự kiến sẽ đạt 13 tỉ đô la. Hiện thương mại điện tử chiếm khoảng 5% tổng mức bán lẻ hàng hoá.
Cùng với quy mô thị trường gia tăng thì các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái cũng bùng nổ theo. Đến hết 2018, tổng số sản phẩm vi phạm đã gỡ bỏ trên các sàn thương mại điện tử là 35.943 và hơn 3.000 tài khoản trên các sản đã bị khoá.
“Buôn bán hàng giả, hàng cấm, nhập lậu trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, YouTube…) diễn ra phổ biến, công khai đã ảnh hưởng nghiêm trọng và đe doạ xã hội, niềm tin người tiêu dùng”, ông Linh nói, đồng thời nhấn mạnh, ngăn chặn nạn kinh doanh hàng giả, nhái trên mạng xã hội “thực sự nan giải”.
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn - Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương thì hiện tại những quy định pháp luật còn chưa hoàn thiện, nhất là quy định đối với tình hình phát triển Internet như hiện nay. Thêm vào đó việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi như phân tán lô hàng hóa ở nhiều kho gây khó khăn cho việc điều tra, thu hồi và quản lý…
Đồng thời doanh nghiệp vẫn còn nghĩ rằng việc quản lý hàng giả, hàng nhái là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, vì thế buông lỏng khâu tự hậu kiểm. Cán bộ thực thi công vụ còn thiếu kinh nghiệm chuyên môn, kĩ thuật để nhận biết hàng giả, hàng nhái.
“Song nói như vậy không có nghĩa là lỗi và thách thức khó khăn nằm ở doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước, chính người tiêu dùng cũng là một phần khó khăn trong việc chống lại hàng giả, hàng nhái để bảo vệ quyền lợi của họ khi phần đa người tiêu dùng Việt còn ham rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kỹ năng thông tin để nhận biết”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo Hải Lam (SHTT)