Hàng Pháp bị làm giả nhiều thứ 2 trên thế giới sau hàng Mỹ

26/11/2019 15:17:20

Số lượng hàng giả, hàng nhái trên thị trường ngày càng tăng cao. Đặc biệt, hàng hóa của Mỹ và của Pháp bị làm giả với số lượng lớn, đa dạng các mặt hàng, từ thời trang đến mỹ phẩm, đồ chơi, thuốc.

Theo báo cáo hồi tháng 3/2019 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Liên minh châu Âu (EU), thị trường hàng nhái, hàng giả có tổng doanh thu lên đến 509 tỷ USD/năm. Trong đó, hàng hóa của Pháp là loại sản phẩm bị làm giả, làm nhái nhiều thứ 2 trên thế giới, chỉ sau hàng Mỹ (dược phẩm, quần áo, đồ chơi, thuốc lá…).

Cứ 10 món hàng giả, hàng nhái bị thu giữ trên thế giới thì có 2 sản phẩm là nhái hàng Pháp. Theo Cơ quan châu Âu về sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại khoảng 7,7 tỷ USD về doanh thu cho nước Pháp, làm người Pháp mất 22.000 việc làm...

Hàng Pháp bị làm giả nhiều thứ 2 trên thế giới sau hàng Mỹ
Hàng Pháp bị làm giả nhiều thứ 2 trên thế giới sau hàng Mỹ

Trong khi đó, ngay tại nước Pháp, trong năm 2018, gần 5,4 triệu món hàng nhái, hàng giả bày bán trên đường phố, trong chợ đã bị thanh tra thị trường Pháp tịch thu. Một trong những vụ gây tiếng vang nhất ở Pháp là trong một khu chợ nhỏ của chợ đồ cổ, đồ cũ Saint Ouen ngoại ô Paris hồi tháng 12/2018 : Thanh tra thị trường đã tịch thu gần 10.000 món hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng với tổng giá trị 2,6 triệu euro. Một con số cao kỷ lục, trong đó có 1.225 chiếc áo khoác dán nhãn Canada Goose, 8524 sản phẩm dán mác Lacoste, 877 đôi giày và quần áo hiệu Nike …

Trước đó một năm, cũng tại chợ Saint Ouen, vốn được mệnh danh là « thánh địa hàng nhái, hàng giả » tại Paris, hồi tháng 11/2017, 838 món hàng giả các thương hiệu cao cấp như túi Louis Vuitton, đồng hồ Kenzo, áo Givenchy, quần áo Lacoste đã bị tịch thu và tiêu hủy.

Hệ quả của hàng giả, hàng nhái

Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có những biểu hiện như đa dạng về mẫu mã, “linh động” về giá cả và đặc biệt nguy hiểm hơn là còn phong phú cả về chủng loại. Sự nguy hiểm thể hiện ở chỗ, bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế cho “khổ chủ”, nó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Điển hình là đồ ăn, đồ uống, thuốc chữa bệnh... giả, kém chất lượng khiến bệnh tật thi nhau “nẩy nở”, phát triển trong cơ thể những “thượng đế” nhẹ dạ, kém hiểu biết và ham rẻ.

Hầu hết các hãng có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái hàng hóa. Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp sản xuất., kinh doanh chân chính. Tác động tiêu cực đầu tiên là hành vi nêu trên làm mất uy tín của những doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm. Mặt khác, vì có lợi thế về giá cả so với với hàng “xịn” mà hàng giả, hàng nhái khiến những mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu.

Lời khuyên cho người tiêu dùng

Để tránh mua nhầm hàng gian, hàng giả hàng kém chất lượng người tiêu dùng, cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, tuyệt đối không mua hàng không rỏ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ

Đối với các loại hàng thực phẩm tươi sống khi mua hàng cần chú ý đến mức độ cảm quan tươi ngon của sản phẩm, không mua hàng trôi nổi và hàng kém vệ sinh bày bán ngoài đường vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm dễ gây ngộ độc và ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng.

Không mua và sử dụng hàng giả kém chất lượng là bảo vệ sức khỏe quyền lợi của mình, kịp thời báo cho cơ quan chức năng các doanh nghiệp cơ sở sản xuất và cửa hàng bán hàng giả kém chất lượng để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Theo Vân Anh (SHTT)

Nổi bật