Khu đất rộng gần 5.000 m2 tại số 8-12 Lê Duẩn (quận 1) có vị trí đắc địa bậc nhất Sài Gòn. Thời điểm năm 2007 lô đất do Công ty quản lý Kinh doanh nhà TP HCM quản lý và cho 4 công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Kim khí Thành phố, Hóa chất vật liệu điện thành phố và Vận tải xăng dầu (thuộc Bộ Công Thương) thuê làm trụ sở.
Bộ này từng gửi công văn đề nghị UBND TP HCM cho mua chỉ định lô đất nhưng không được chấp thuận. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án xây khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại, thay vì cho đấu thầu, chọn doanh nghiệp có kinh nghiệm làm chủ đầu tư, thành phố lại chấp thuận phương án thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue và cho 4 công ty trên tham gia 50% cổ phần (chia đều mỗi công ty 12,5%), còn lại là của Công ty Quản lý Kinh doanh nhà.
Ngay sau khi được UBND thành phố ưu tiên cho tham gia cổ phần, các doanh nghiệp của Bộ Công thương đã "lật kèo" (cách gọi của một nguyên lãnh đạo thành phố), cùng sang nhượng quyền đầu tư phát triển dự án cho một công ty tư nhân để kiếm lời. Thương vụ này cũng giúp các công ty tư nhân chiếm 80% cổ phần dự án đầu tư khu đất 5.000 m2.
'Kịch bản' sang tay quyền đầu tư, bỏ túi 200 tỷ đồng
Từ lúc Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue chưa được thành lập, ngày 20/8/2010, các công ty của Bộ Công thương đã ký thỏa thuận nguyên tắc với Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty Kido) đồng ý chuyển nhượng quyền đầu tư phát triển dự án trên khu đất 8-12 Lê Duẩn.
Theo thỏa thuận, 4 công ty thuộc Bộ Công thương sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần góp vốn của mình trong Công ty Kido, thời gian hoàn tất được quy định là ngay khi các công ty trở thành cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần Lavenue.
Nhằm thực hiện thỏa thuận trên, ngày 19/5/2010, mỗi công ty của Bộ Công thương ký hợp đồng vay của Công ty Kido 12,5 tỷ đồng để góp đủ số vốn cổ đông sáng lập thành lập Công ty Cổ phần Lavenue, tương ứng 12,5% vốn điều lệ đối với mỗi công ty.
Ngày 10/9/2010 Công ty Lavenue thành lập, song chỉ 10 ngày sau đó cả 4 công ty thuộc Bộ Công thương đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình cho Công ty Kido. Số lượng cổ phần chuyển nhượng của mỗi đơn vị là 1,25 triệu, giá chuyển nhượng là 50.000 đồng mỗi cổ phần. Tổng số tiền mỗi công ty thuộc bộ Công thương nhận được là 62,5 tỷ đồng.
Bộ Công an từng vào cuộc điều tra
Trừ số tiền vay (12,5 tỷ đồng) ban đầu của Công ty Kido, mỗi công ty thuộc Bộ Công thương thu lợi 50 tỷ đồng. Như vậy, các doanh nghiệp Nhà nước này không tốn một đồng vốn nào đã kiếm lời được 200 tỷ đồng từ dự án. Số tiền này sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định (12,5 tỷ đồng mỗi đơn vị), phần còn lại các công ty dùng để thuê và mua trụ sở làm việc mới, trích lập các quỹ và chi trả cổ tức cho cổ đồng.
Điều tra của Bộ Công an vào cuối năm 2015 cho biết "chưa phát hiện vi phạm hình sự" trong việc 4 công ty thuộc Bộ Công thương chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Kido. Còn Bộ Công thương khẳng định, từ năm 2008 các công ty này đã được cổ phần hóa nên Bộ không còn là đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước.
Thanh tra Chính phủ xác định, bốn công ty này đã kê khai không trung thực để được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương ưu tiên cho tham gia góp vốn thực hiện dự án. Việc chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Kido (bản chất là chuyển quyền ưu tiên đầu tư tại khu đất hoặc chuyển nhượng 50% diện tích đất) để lấy 200 tỷ đồng là trái với chủ trương của UBND thành phố. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc và Kế toán trưởng của 4 công ty tại thời điểm đó.
Thương vụ có sự giúp sức của bà Giám đốc Công ty Quản lý Kinh doanh nhà
Việc các công ty thu lợi 200 tỷ đồng, theo đánh giá của Cơ quan thanh tra, là được sự giúp đỡ nhiệt tình của Giám đốc Công ty Kinh doanh nhà Nguyễn Thị Thu Thủy.
Theo đó, dù được cho phép liên doanh, liên kết với các đơn vị đang thuê khu đất thực hiện dự án nhưng Công ty Quản lý Kinh doanh nhà đã ký biên bản chấp thuận cho 4 công ty thuộc Bộ Công thương chuyển nhượng phần vốn góp cho đối tác bên ngoài (Công ty Kido) mà không xin ý kiến UBND thành phố là sai phạm, trái với chỉ đạo.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cũng được xác định đã "ưu ái" khi đề xuất UBND TP HCM cho phép Công ty TNHH Hoa Tháng Năm hợp tác đầu tư (nắm 30% vốn trong tổng số 50% vốn của Công ty Quản lý Kinh doanh nhà). Trong khi đó, từ ngày thành lập (6/4/2010) đến nay, Công ty Hoa Tháng Năm chưa thực hiện dự án nào, năng lực tài chính cũng không được thẩm định.
Cùng với việc bốn Công ty thuộc Bộ Công thương bán 50% cổ phần cho Công ty Kido, Công ty Hoa Tháng Năm (được thành phố cho phép góp 30% vốn thực hiện dự án trên khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn) đã bán 80% cổ phần cho doanh nghiệp tư nhân một cách nhanh chóng, chỉ sau hai tháng Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue được thành lập.
Thanh tra Chính phủ đã đề nghị thu hồi 5.000 m2 đất tại số 8-12 Lê Duẩn, đồng thời xử lý nghiêm sai phạm của UBND TP HCM, các sở ngành và doanh nghiệp liên quan. Số tiền 200 tỷ đồng các công ty của Bộ Công thương kiếm được từ thương vụ sang tay này cũng bị đề nghị thu hồi.
Đường Lê Duẩn là một trong những con đường đắt đỏ bậc nhất Sài Gòn, với hai điểm đầu và cuối là Dinh Thống Nhất và Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Trên đại lộ chỉ dài khoảng 2 km này hầu như không có nhà dân, chủ yếu là các cơ quan nhà nước, trường học, cơ sở tôn giáo như: Văn phòng Chính phủ tại TP HCM, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhà thờ Đức Bà.
Đây cũng là con đường đặt nhiều trụ sở ngoại giao như Lãnh sự quán Anh, Pháp, Mỹ, Đức...
Theo Trung Sơn (VnExpress.net)