Sáng 25/5, tại buổi thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề đang tồn tại, bức xúc như quản lý đất đai, chậm giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ người nông dân chịu ảnh hưởng của các hiệp định thương mại tự do.
Theo đại biểu Vượt, hiện còn nhiều vấn đề ách tắc, bức xúc xã hội, nhất là về đất đai. Ông đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo tập trung nguồn lực, thực hiện tổng kiểm tra đất đai trên cả nước, tập trung ở những đô thị, những nơi có đất vàng, những nơi chuẩn bị xây dựng đặc khu.
Cần Trung ương vào cuộc giải quyết tận gốc
“Nhân dân rất bất bình, thậm chí là phẫn nộ, bởi nguồn lực cực lớn của đất nước là đất đai đang được sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí. Những lô đất vàng, đất bạc rơi vào các doanh nghiệp bạch tuộc. Họ không đầu tư vào sản xuất kinh doanh mà chỉ sang nhượng dự án, hoặc phân lô bán nền, làm thất thu ngân sách Nhà nước”, ông nói.
Đại biểu thẳng thắn chỉ ra việc “một số doanh nghiệp có dấu hiệu là sân sau của các quan chức cùng cộng sinh, thâu tóm chiếm đoạt đất đai bằng nhiều thủ đoạn, mưu mô, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, chuyển nhượng dự án, chuyển đổi quy mục đích sử dụng đất”.
Đại biểu Đinh Duy Vượt nói vẫn còn tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cánh hẩu, từ đó tồn tại nhiều quy hoạch treo, qua nhiều nhiệm kỳ. Tình trạng này cần được rà soát, loại bỏ, không để kéo dài, gây bức xúc, khốn đốn cho người dân.
“Cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng Trung ương, từ đó giải quyết được tận gốc vấn đề dây mơ rễ má, hậu duệ, đồ đệ, lợi ích nhóm”, ông thẳng thắn nói.
Sai phạm đất đai, quy hoạch để lại hệ lụy lớn cho Đà Nẵng
Đề cập đến Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Thanh Quang nhấn mạnh, đây là những vấn đề của địa phương nhưng lại liên quan nhiều đến lãnh đạo của Quốc hội và Chính phủ.
Theo đại biểu, bên cạnh kết quả đạt được, tại địa phương nổi lên hàng loạt sai phạm về quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng công tác cán bộ. Sai phạm có tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, đến nay để lại hệ lụy to lớn, nhiều khó khăn vướng mắc rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của Quốc hội, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ.
“Đà Nẵng không chỉ nằm trong tình trạng đó mà còn có nhiều điều cử tri quan tâm, lo lắng”, ông Quang nhấn mạnh và dẫn chứng từ việc chậm trễ kiện toàn một số vị trí cán bộ chủ chốt ở HĐND và UBND đến những khó khăn trong chính sách đất đai.
Dù đang tập trung khắc phục những khuyết điểm mắc phải trong thời gian qua và nỗ lực hết mình để có thể tiếp tục tăng trưởng, phát triển tương xứng với sự phát triển chung của đất nước, nhưng một số thách thức mà bản thân Đà Nẵng dù cố gắng hết sức cũng không giải quyết được.
Cụ thể, từ năm 2000 đến 2012, chính quyền Đà Nẵng có chủ trương trong thời gian 60 ngày mà người dân và doanh nghiệp được giao đất, nộp đủ số tiền được giảm 10% trên tổng số tiền phải nộp. Trong giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp thì thời hạn sử dụng đất được xác định là lâu dài nếu nộp đủ tổng số tiền.
Năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra đây là sai phạm, yêu cầu thu hồi số tiền 10% và điều chỉnh lại thời hạn giao đất là 50 năm. Điều này ảnh hưởng lớn đến sản xuất trên địa bàn thành phố. Theo đại biểu này, người dân cho rằng, ai sai thì chịu trách nhiệm, sai ở đây là chính quyền, còn người dân và doanh nghiệp đã làm đúng theo quy định của chính quyền.
"Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, có cơ chế xử lý theo hướng chấp nhận cho người dân và doanh nghiệp không phải nộp thêm 10% tiền sử dụng đất và xem xét không điều chỉnh thời hạn sử dụng đất từ lâu dài thành 50 năm", ông Quang nói.
Đại biểu Nguyễn Thanh Quang cũng nêu bức xúc về việc hàng nghìn người dân phải di dời để ủng hộ chủ trương của thành phố nhưng số tiền được bồi thường chỉ đủ xây nhà ở mà không có tiền trả tiền đất và được Nhà nước cho nợ tiền đất quy theo giá vàng. Tuy nhiên, theo chủ trương, nếu quá thời gian trả nợ cho phép, phải áp dụng theo giá được ban hành mới nhất thì số tiền người dân phải trả tăng lên nhiều. Nhiều hộ dân vốn đã khó khăn lại khó khăn hơn. Hy sinh chung vì chủ trương của thành phố thì nay lại phải nợ nần chồng chất.
"Người dân đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho được nợ quy theo giá vàng như trước đây thêm một khoảng thời gian nữa để yên tâm làm ăn, sản xuất tiết kiệm trả nợ", ông Quang nói.
Theo Chính phủ, gần đây tình trạng sốt đất xảy ra nhiều ở các đặc khu. Giá đất được đẩy lên cao, chủ yếu la sang tay, đổi chủ. Tình trạng tự ý phân lô đất nền, chuyển nhượng không đúng mục đích cũng xảy ra ở nhiều nơi.
Tại các thành phố lớn, tình trạng nhiều lô đất vàng bỏ hoang trong nhiều năm cũng chậm bị thu hồi, xử lý. Ở TP.HCM, một số lô đất công sản được chuyển nhượng bán với giá rẻ.
Theo Hiếu Công - Nhật Lâm (Tri Thức Trực Tuyến)