6 ưu đãi thuế đặc biệt đối với đặc khu kinh tế
Chính sách ưu đãi thuế và cho thuê đất tại các đặc khu tiếp tục là vấn đề gây nhiều tranh cãi tại sự kiện do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã đưa ra nhiều phản biện về hai nội dung này, khi cho rằng cơ chế ưu đãi thuế và cho thuê đất tối đa 99 năm không thực sự cần thiết.
"Thử hỏi trong thời buổi công nghệ thay đổi tính bằng ngày, có ai dám đảm bảo sẽ chỉ kinh doanh ngành đó, nghề đó, lĩnh vực đó trong thời hạn dài 90 năm hay thậm chí 70 năm", bà Lan nói và đặt câu hỏi nếu có rủi ro doanh nghiệp phá sản trong thời hạn 10 hoặc 20 năm, ai sẽ quản lý việc chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng.
Chuyên gia này nhấn mạnh cần có tầm nhìn dài hơn, phải đi trước nhiều năm về mặt chính sách, để tránh xảy ra tình trạng lúng túng trong quản lý khi "doanh nghiệp thuê đất 99 năm nhưng 10 năm đã phá sản và chuyển nhượng cho đối tác khác".
Bên cạnh đó, bà Phạm Chi Lan cũng đánh giá, ưu đãi cho thuê đất tối đa 99 năm như dự thảo Luật đặc khu, thực tế chỉ có lợi cho các đại gia bất động sản. Trong khi các lĩnh vực sản xuất khác, vòng đời sản phẩm, chu kỳ sản xuất có thể ngắn hơn rất nhiều.
"Thời hạn cho thuê đất tối đa 99 năm được đưa vào chính sách có bóng dáng ưu đãi cho những doanh nghiệp bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, không đất nước nào giàu lên chỉ bằng bất động sản", bà Lan nói.
Theo bà Lan, lấy ưu đãi thuế làm tiền đề thu hút nhà đầu tư và lấy thời hạn cho thuê đất tối đa 99 năm làm cơ sở để các doanh nghiệp lớn yên tâm làm ăn, là hai quan điểm đã lỗi thời, nếu xét đến bài học sau 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam. "Việt Nam được coi là thành công khi nhìn lại 30 năm thu hút FDI, nhưng chúng ta còn nhiều hệ quả khi chưa đánh giá hết, như ưu đãi chính sách khiến xảy ra tình trạng chuyển giá, trốn thuế, phân mảnh đầu tư", chuyên gia này đánh giá, đồng thời tỏ ra nghi ngại trong vấn đề quản lý khi máy móc thay thế con người ở những việc đơn giản như may mặc, lắp ráp điện tử, những ngành này sẽ trở lại các quốc gia phát triển. Nếu Việt Nam không thấy rõ tuổi thọ của các ngành đến đâu trong thời đại mở hiện nay thì là việc đưa ra ưu đãi lớn, thời gian thuê đất quá lâu sẽ thừa thãi.
Trở lại với những vấn đề của dự thảo Luật đặc khu kinh tế, bà Lan đặt câu hỏi: Tại sao lại xây dựng cơ chế ưu đãi dàn trải với những yếu tố không thực sự cần thiết như vậy?
"Tôi không hiểu tại sao dự thảo Luật đặc khu xây dựng danh sách ngành nghề ưu đãi thuế nhiều đến vậy. Lúc đầu ưu đãi đến 134 ngành, sau đó rút xuống còn 120 ngành và hiện nay vẫn còn hơn 100 ngành", bà Lan nói và cho rằng ưu đãi quá dàn trải cho các ngành sẽ tạo ra khó khăn trong việc quản lý. Trong khi bài học từ các nước cho thấy những đặc khu chỉ nên ưu đãi vào những ngành nghề khuyến khích phát triển.
Ngoài ra, các chính sách ưu đãi thuế quá mức cũng có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp nước ngoài tại đặc khu và khối doanh nghiệp tư nhân trong nước. Cùng với đó là tình trạng chuyển giá, trốn thuế, vốn từng là điểm yếu trong chính sách thu hút FDI.
"Những năm trước ngành thuế cho biết 70% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ nhưng vẫn xin mở rộng đầu tư, mở rộng phát triển. Sau này khi cơ quan thuế vào cuộc thì mới kiểm soát được, mỗi năm truy thu hàng nghìn tỷ đồng từ chuyển giá. Nếu tiếp tục lấy ưu đãi thuế là điểm thu hút với đặc khu, liệu chúng ta quản lý được hay không?", bà Lan nêu câu hỏi.
Theo Minh Sơn (VnExpress.net)