Cách hồ Hoàn Kiếm chỉ khoảng 100 m là lô đất vàng đang bỏ hoang được cho là thuộc sở hữu của Tân Hoàng Minh. Lô đất rộng tới 4.000 m2 có 2 mặt tiền trên phố Hàng Bài và Hai Bà Trưng. Lô đất cây xanh, cỏ dại um tùm này nằm cạnh hồ Gươm và đối diện Tràng Tiền Plaza, một trong những khu trung tâm thương mại sang trọng nhất Hà Nội. Chi phí giải phóng mặt bằng của lô đất trung bình khoảng 500 triệu đồng/m2. Với những hộ dân cuối cùng, giá đền bù lên tới 1 tỷ đồng mỗi m2. Cách đó khoảng 100 m là lô đất bỏ hoang của Ngân hàng SHB. Lô đất mà ông Nguyễn Quang Hiển, Chủ tịch SHB thu gom nhiều năm trước rộng khoảng 2.200 m2 có tới 3 mặt tiền trên phố Vọng Đức, Hàng Bài và Lý Thường Kiệt. Chi phí để có được lô đất này cũng được cho lên đến 1 tỷ mỗi m2. SHB có kế hoạch xây dựng trụ sở của mình cao tới 13-15 tầng, nhưng quy định chỉ tối đa là 8 tầng. Doanh nghiệp hiện vẫn chờ cấp phép. Tại quận Hai Bà Trưng còn một lô đất vàng bỏ hoang rộng lớn khác cũng được cho là sở hữu của Tân Hoàng Minh. Lô đất có được từ sự di dời của 2 nhà máy rượu Hà Nội và dệt kim Đông Xuân ra khỏi nội thành, có 3 mặt tiền thuộc phố Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ và Ngô Thì Nhậm. Hiện tại, một phần diện tích đã được dùng để xây dựng 2 trường học cho quận Hai Bà Trưng. Lô đất đối diện Tổng cục Thuế này dự kiến được Tân Hoàng Minh xây dựng căn hộ cao cấp. Thời gian triển khai cụ thể vẫn chưa rõ. Một lô đất lớn khác tại quận Nam Từ LIêm cũng đang bỏ hoang rộng tới 4,3 ha. Lô đất này từng được Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) dự kiến xây dựng khách sạn sang trọng nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với số vốn 500 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó dự án không thể triển khai, lô đất bị bỏ hoang gần chục năm qua. Gần đây, Vingroup đã mua lại một phần 2,4 ha trên tổng số 4,3 ha để triển khai một dự án chung cư cao cấp. Phần còn lại vẫn đang bỏ hoang và bị đổ chất thải xây dựng. Hiện chưa rõ phần còn lại của dự án đã được chuyển nhượng cho đối tác nào chưa. Ở ngã tư Trần Duy Hưng - Nguyễn Chánh, một lô đất vàng cũng quây tôn che kín từ nhiều năm nay. Lô đất này từng dự kiến xây dựng Tháp Tài chính Quốc tế (IFT), một biểu tượng mới của thủ đô. Thế nhưng nhiều năm qua, dự án vẫn án binh bất động. Trên đường vành đai 3 có một lô đất bỏ hoang nhiều năm nay, từng dự kiến triển khai dự án Nam Đàn Plaza. Dự án được quảng bá là tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, khu vui chơi giải trí, văn phòng... có tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Bên cạnh đất vàng bỏ hoang, Hà Nội còn những công trình tọa lạc ở vị trí đắc địa nhưng xây dựng dở dang, nhiều năm đắp chiếu, hoặc xây dựng với tiến độ rất chậm chạp. Điển hình là công trình tại số 131 Thái Hà đã không được hoàn thiện nhiều năm nay. Quận Hà Đông có dự án Tháp Thiên Niên Kỷ nằm tại trung tâm có diện tích khoảng 6.000 m2, được khởi động từ năm 2006, từng dự kiến là công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, cả chục năm trôi qua dự án vẫn dở dang. Hiện tại đã có dấu hiệu triển khai trở lại nhưng với tiến độ rất chậm chạp. Phần tầng hầm vẫn còn chưa xong. Dự án Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp số 5 Lê Duẩn của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng được cho là chết lâm sàng trong nhiều năm. Dự án được khởi công từ 2010, dự kiến hoàn thành 2012 nhưng hiện vẫn hồi sinh một cách chậm chạp. Theo Việt Linh - Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)