Bê bối nước khoáng bẩn tại Pháp: Nestlé bị cáo buộc lừa dối

21/05/2025 15:58:44

Báo cáo điều tra của Thượng viện Pháp về nước khoáng Perrier đã cáo buộc Nestlé lừa dối người tiêu dùng, vi phạm nghiêm trọng quy định về nước khoáng thiên nhiên.

Ngày 19/5 (giờ địa phương), Ủy ban Điều tra của Thượng viện Pháp đã công bố một báo cáo chấn động về vụ bê bối liên quan đến các sản phẩm nước khoáng của thương hiệu Perrier, thuộc sở hữu của tập đoàn Nestlé (Thụy Sĩ). Báo cáo chỉ ra những hành vi lừa dối người tiêu dùng từ phía nhà sản xuất và đặt nghi vấn về sự giám sát lỏng lẻo, thậm chí là cố ý bao che, từ các cơ quan chính phủ Pháp. Truyền thông Pháp đã không ngần ngại mô tả báo cáo này là "gây sốc" và "kinh hoàng".

Xử lý nước trái phép: Không còn là khoáng thiên nhiên

Vụ bê bối bắt đầu được phanh phui vào đầu năm 2024 khi truyền thông Pháp đưa tin về việc nguồn nước tại các nhà máy sản xuất nước khoáng của Perrier ở Pháp đã bị ô nhiễm. Thay vì dừng sản xuất hoặc thay đổi nhãn mác, Nestlé bị cáo buộc đã sử dụng các công nghệ xử lý nước như tia cực tím và than hoạt tính, vốn chỉ được dùng để khử trùng nước máy thông thường, để xử lý nguồn nước này.

Bê bối nước khoáng bẩn tại Pháp: Nestlé bị cáo buộc lừa dối
Nước khoáng thương hiệu Perrier của tập đoàn Nestlé đã được khử trùng và không đủ tiêu chuẩn là "nước khoáng thiên nhiên". Ảnh: Stheadline

Hành vi này được báo cáo nhấn mạnh là vi phạm nghiêm trọng quy định của châu Âu về nước khoáng thiên nhiên, vốn nghiêm cấm mọi hình thức xử lý có thể làm thay đổi đặc tính tự nhiên của nước. Nghiêm trọng hơn, báo cáo còn cảnh báo về rủi ro sức khỏe tiềm ẩn, khi nguồn nước bị ô nhiễm được phát hiện chứa các loại vi khuẩn có nguồn gốc từ phân như E.coli và Enterococcus. Trước mức độ nghiêm trọng của vụ việc, Thượng viện Pháp đã thành lập một ủy ban đặc biệt vào cuối năm 2024 để tiến hành điều tra toàn diện.

Nestlé biết sự việc, chính phủ bị nghi nới lỏng luật

Báo cáo điều tra tiết lộ, tập đoàn Nestlé đã biết về các hành vi xử lý nước trái phép tại một số nhà máy nước khoáng của mình ở Pháp từ năm 2020. Đến năm 2021, thay vì tuân thủ luật định, họ đã tiếp cận các cơ quan liên quan của chính phủ Pháp và đề xuất một kế hoạch cải tạo.

Kế hoạch này bao gồm việc sử dụng công nghệ vi lọc tinh vi để xử lý nước từ các giếng được cho là "duy trì tốt" nhằm tiếp tục sản xuất sản phẩm mang nhãn "nước khoáng thiên nhiên". Đối với các giếng xuống cấp nghiêm trọng, họ đề xuất chuyển sang sản xuất nước uống đóng chai thông thường (không dán nhãn "nước khoáng thiên nhiên") và sử dụng cho các dòng sản phẩm khác.

Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng các cơ quan chính phủ Pháp đã không hành động để ngăn chặn hành vi xử lý nước trái phép của Nestlé ngay lập tức. Đáng ngờ hơn, vào năm 2023, chính phủ Pháp còn bị cáo buộc đã sửa đổi quy định, nới lỏng tiêu chuẩn để cho phép Nestlé sử dụng công nghệ vi lọc với độ chính xác 0.2 micromet để xử lý nước.

Điều này đi ngược lại luật hiện hành của Pháp quy định giới hạn dưới về độ chính xác lọc cho nước khoáng thiên nhiên là 0.8 micromet, lọc dưới mức này được coi là có mục đích khử trùng và làm thay đổi đặc tính tự nhiên của nước. Truyền thông Pháp nhận định chính nhờ sự nới lỏng này, Nestlé có thể tiếp tục bán sản phẩm với nhãn "nước khoáng thiên nhiên" và thu về lợi nhuận khổng lồ.

Bê bối nước khoáng bẩn tại Pháp: Nestlé bị cáo buộc lừa dối - 1
Thương hiệu nước khoáng Perrier của Pháp từng phải tiêu hủy 2 triệu chai nước khoáng có ga nghi ngờ bị nhiễm vi khuẩn có nguồn gốc từ phân như E.coli và Enterococcus. Ảnh: Stheadline

Báo cáo chất lượng nước bị biến tấu

Sự can thiệp của chính phủ Pháp không dừng lại ở việc sửa đổi luật. Báo cáo điều tra còn chỉ ra rằng vào năm 2023, nhiều bộ phận khác nhau của chính phủ Pháp đã đồng ý sửa đổi một báo cáo chính thức về chất lượng vệ sinh nguồn nước của Perrier. Các kết quả kiểm tra cho thấy giếng nước bị ô nhiễm bởi vi khuẩn, thuốc diệt cỏ và các sản phẩm phân hủy thuốc trừ sâu đã bị xóa bỏ một cách có hệ thống.

Thay vào đó, báo cáo được thay thế bằng những đoạn văn mô tả các "thực hành tốt" của doanh nghiệp, như thể nguồn nước hoàn toàn sạch sẽ. Hành động này bị cáo buộc là nhằm dọn đường, giúp Nestlé dễ dàng xin được các giấy phép sản xuất cần thiết, bất chấp tình trạng thực tế của nguồn nước.

Báo cáo của Thượng viện Pháp đã vạch trần một bức tranh đáng báo động về sự thiếu minh bạch, hành vi lừa dối từ một tập đoàn lớn và sự quản lý lỏng lẻo, thậm chí là đồng lõa, từ các cơ quan nhà nước.

Vụ bê bối này không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm nước khoáng được dán nhãn "thiên nhiên" mà còn đặt ra câu hỏi lớn về vai trò và trách nhiệm của chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tính toàn vẹn của các quy định về an toàn thực phẩm. Hiện, sự việc đang nhận được sự quan tâm, chú ý rất lớn từ dư luận.

Theo Lê Nguyên (SHTT)

Nổi bật