Để hiểu tại sao con người có ít lông, chúng ta hãy xem những gì mà ngành sinh học tiến hóa đã khám phá ra về bộ phận này.
Lông là một sợi protein mọc từ lớp hạ bì của da bạn. Hầu như mọi động vật có vú xung quanh chúng ta đều có một lớp lông hoặc lông dày. Ngoại trừ một số ít sinh vật, như chuột chũi không lông và các động vật có vú sống dưới nước như cá voi và cá heo, hầu hết các động vật có vú đều có lông. Động vật có vú trên cạn đã phát triển bộ lông để giúp chúng thích nghi môi trường sống trên đất liền.
Lông là một công cụ giữu nhiệt tuyệt vời. Những túi khí bên trong những sợi lông cũng đồng thời giúp giữ nhiệt cho cơ thể khi nhiệt độ bên ngoài trở nên lạnh thông qua cơ chế dựng đứng lông lên để hình thành các túi khí (nổi da gà). Lông cũng bảo vệ da khỏi các tia UV có hại từ ánh sáng mặt trời.
Những sợi lông còn có ích trong việc cảm nhận cảm giác của cơ thể. Khi một cái gì đó tác động lên lông, chúng sẽ làm di chuyển các nang lông và gửi tín hiệu đến não. Chẳng hạn khi xuất hiện các ký sinh trùng gây bệnh như rệp hoặc muỗi đang rình rập tìm cách hút máu bạn, những sợi lông nhỏ bé sẽ phần nào giúp chúng ta phát hiện ra.
Giả thuyết Chọn lọc giới tính của Darwin
Năm 1871, trong cuốn sách của mình, The Descent of Man, and Selection in Relation to Sex, Darwin đã đề cập đến khái niệm Chọn lọc giới tính. Trong đó, những cá thể có đặc điểm vượt trội về giới tính, sinh sản sẽ dễ tồn tại hơn so với những cá thể khác.
Theo Darwin, người Homo sapiens rụng bớt lông vì con đực thấy con cái ít lông quyến rũ hơn. Ông lý giải rằng qua nhiều thế hệ con đực chọn bạn tình ít lông hơn thì cả con đực và con cái các thế hệ sau trở nên ít lông hơn do sự pha trộn di truyền. Lúc này, Darwin có lẽ đã đưa ra lời giải thích tốt nhất có thể với những thông tin ông có vào thời đại Victoria. Tuy nhiên, những lý giải ông đưa ra chỉ là một nửa sự thật.
Ngày nay, khi đánh giá mức độ hấp dẫn của phụ nữ, một số nam giới cho rằng những người có ít lông sẽ thu hút hơn, nhưng một số khác thì không cho là như vậy và những người còn lại thì có thể không quan tâm. Trong những trường hợp này, văn hóa mới là nhân tố có tác động quyết định. Tuy nhiên, lông, tóc... không phải là tiêu chí duy nhất để lựa chọn bạn đời. Đây là điểm mà lý luận của Darwin bị phá vỡ. Và do đó, giả thuyết của ông đã không xác định được nguyên nhân dẫn đến việc rụng bớt lông ở tổ tiên chúng ta.
Trong khi Darwin không giải quyết được bí ẩn, ông đã mở ra cơ hội cho các nhà sinh học tiến hóa sau này trình bày lý thuyết của riêng họ với các giả thuyết sau đây.
Giả thuyết Savanna
Giả thuyết Savanna là giả thuyết giải thích tại sao con người có ít lông được ủng hộ nhiều nhất cho đến hiện tại. Giả thuyết này được đề xuất bởi Raymond Dart vào năm 1925. Ông cho rằng người vượn cổ rụng bớt lông vì chúng trở nên bất tiện với môi trường sống. Khi tổ tiên chúng ta ra ngoài vùng thảo nguyên của Châu Phi với mật độ ánh sáng mặt trời cao hơn, việc làm mát cơ thể trở thành vấn đề lớn. Trong khi đó, bộ lông dày trên cơ thể lại có tác dụng giữ nhiệt, điều này khiến cơ thể phải tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Và do đó, bộ lông dày trở nên không phù hợp với sự phát triển của chúng ta.
Giả thuyết Ectoparaite
Mark Pagel và Walter Bodmer với giả thuyết Ectoparaite của mình cho rằng tổ tiên của chúng ta đã rụng bớt lông trên cơ thể để tránh bị nhiễm chấy. Bộ lông là nơi trú ngụ của chấy và nhiều loại động vật ký sinh khác. Chúng không chỉ hút máu của vật chủ mà còn có thể lan truyền mầm bệnh. Pagal và Bodmer cho rằng quá trình chọn lọc tự nhiên đã loại bỏ những người có nhiều lông, vì những người này bị nhiễm chấy và có thể đã chết vì mầm bệnh.
Giả thuyết tình yêu trần trụi
Được đề xuất bởi James Giles, giả thuyết tình yêu trần trụi cho rằng việc có ít lông làm tăng tình yêu của người mẹ dành cho đứa con của mình. Khi loài người tiến hóa đi bằng hai chân, những cá thể nhỏ sẽ không thể bám vào lông của mẹ chúng, dẫn đến việc các bà mẹ yêu thương con mình phải mang (ôm, cõng) theo chúng. Việc ít lông cũng làm tăng cảm xúc của chúng ta khi tiếp xúc da kề da, điều này có thể đã khiến người mẹ yêu con hơn, và do đó khiến chúng có thêm động lực để mang theo con, mang lại cơ hội sống sót cao hơn cho thế hệ sau của chúng.
Giả thuyết Ape dưới nước
Giả thuyết Ape dưới nước cho rằng người vượn cổ đã từng trải qua thời kỳ sống trong môi trường nước. Những bộ lông dày làm cho việc bơi lội trở nên khó khăn và chúng không còn là một chất giữ nhiệt tốt khi gặp nước. Vì vậy, quá trình tiến hóa đã quyết định loại bỏ nó. Mặc dù các nhà cổ sinh vật học đã tìm thấy hài cốt của người vượn cổ gần các vùng nước, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy họ từng sống chìm hoàn toàn trong môi trường nước. Do đó, trong tất cả các lý thuyết được trình bày trong bài viết này, lý thuyết Ape dưới nước ít được cộng đồng khoa học ủng hộ nhất.
Suy cho cùng, cho đến nay chưa có lý thuyết nào đưa ra câu trả lời hoàn toàn thuyết phục cho câu hỏi "tại sao con người có ít lông?", vì không lý thuyết nào có đủ bằng chứng xác thực. Ngày nay, con người chúng ta có lửa, có quần áo, có điều hòa không khí và công nghệ kiểm soát dịch bệnh, chúng cho phép chúng ta kiểm soát môi trường của chúng ta tốt hơn. Nền văn minh của chúng ta cũng cởi mở hơn. Do đó, lông, râu hay tóc của chúng ta không bị ảnh hưởng nặng nề bởi văn hóa hoặc môi trường sống.
Dung (Nguoiduatin.vn)