Một vết bầm xuất hiện khi bạn gặp chấn thương chẳng hạn như va đập đầu gối, đốt ngón chân, ngón tay và trước tác động lực, các mạch máu bên dưới da vỡ ra. Những mạch máu nhỏ này được gọi là mao mạch, nằm giữa da và các lớp mô trong cơ thể. Một khi chúng vỡ thì những thứ nằm bên trong - ở đây là máu sẽ thoát ra và kẹt lại. Cơ thể sẽ tái hấp thu máu rò rỉ và khi quá trình này kết thúc, vết bầm sẽ lành nhưng trước khi mất hết sắc tím hoàn toàn, phần bị tổn thương sẽ đổi nhiều màu.
Mao mạch bị vỡ giải phóng máu tươi có màu đỏ của hemoglobin (huyết sắc tố) - một loại protein vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Máu giàu oxy khiến vết thương ban đầu xuất hiện màu đỏ nhưng sau một hai ngày không lưu thông do mao mạch đã vỡ, huyết sắc tố bắt đầu bị phá vỡ khiến vết bầm có màu xanh, tím hoặc thậm chí là đen thui.
Khi huyết sắc tố vỡ ra thì về cơ bản cơ thể sẽ tái sử dụng để tạo ra những thứ khác. Chẳng hạn như sắt trong huyết sắc tố có thể được dùng để tạo ra các tế bào hồng cầu mới. Khi sắt được tái tạo, mất dần trong huyết sắc tố đang bị mắc kẹt dưới da thì nó bị phân hủy trở thành biliverdin - một sắc tố màu xanh lá khiến vết bầm có màu xanh olive sau khi được 1 tuần.
Cuối cùng, vết bầm sẽ chuyển sang màu vàng hoặc nâu nhạt để đánh dấu sự kết thúc của quá trình phục hồi. Màu sắc đó đến từ bilirubin - một sản phẩm phụ của hoạt động phân hủy huyết sắc tố và cũng là nguyên nhân gây vàng da. Một khi gan lọc bỏ chất bilirubin thì vết bầm sẽ mờ dần và biến mất.
Vậy hình dạng của vết bầm thì sao? Nếu bạn từng ăn một viên đạn súng sơn (rất đau nha anh em dù viên đạn đó làm bằng bột) hay khi xưa mình từng ăn 1 trái cầu bên kia smash thẳng vào ngực ngay trên lưới thì vết bầm sẽ có hình giống như cái bánh donut - viền xung quanh đỏ bầm trong khi ở tâm thì sáng màu hơn. Hiện tượng này được gọi là "bù trừ trung tâm" và nó xảy ra khi chấn thương đủ nghiêm trọng để buộc máu phải rời hay dạt ra khỏi điểm va chạm.
Hầu hết các vết bầm tím sẽ tự biến mất trong vòng 2 tuần nhưng một số trường hợp có thể lâu hơn và bạn sẽ cần đến sự trợ giúp của bác sĩ. Một trong số những trường hợp như vậy là tụ máu - lúc đó vết thương trông giống như một vết bầm tím nhưng có thể nguy hiểm hơn. Trong khi vết bầm xuất phát từ tổn thương vật lý khiến các mao mạch vỡ ra thì máu tụ là kết quả từ tổn thương của các mạch máu lớn hơn.
Khi khối máu tụ hình thành thì máu thực sự có thể bị mắc kẹt trong các mô xung quanh mạch máu bị tổn thương. Một khối máu tụ ở bề mặt sẽ có màu đỏ, chứa chất lỏng còn khối máu tụ dưới da thì bạn sẽ thấy một điểm màu đen, chẳng hạn như khi bị dập ngón tay, khối máu tụ dưới móng tay sẽ đen hơn thay vì tím. Trong khi đó một khối máu tụ nằm sâu trong cơ thể sẽ khó thấy hơn, chẳng hạn như tụ máu não, nó đe dọa đến các cơ quan khác và sẽ cần phẫu thuật để lấy máu tụ.
Tuy nhiên, phần lớn các vết bầm cũng như máu tụ đều không gây nguy hiểm về lâu dài. Khi bị bầm thì cách xử lý tốt nhất là RICE - ồ không phải cơm đâu, RICE viết tắt của Rest - Ice - Compression và Elevation. Theo đó:
Rest: Bạn cần phải nghỉ ngơi để vết bầm có thời gian phục hồi, không nên vận động quá sức đối với vùng cơ bị tổn thương;
Ice: Dùng đá lạnh quấn trong khăn chườm lên vết bầm mỗi lần từ 15 đến 20 phút. Đừng chườm quá lâu bởi túi đá sẽ khiến bạn bị tê cóng. Đá lạnh giúp giảm sưng và viêm bằng cách hạn chế lưu thông tại các mạch máu đã vỡ cũng như giúp giảm đau nhanh.
Compression: Nếu vùng quanh vết bầm bị sưng lên, hãy dùng băng gạc để ép nó lại nhưng đừng ép quá chặt. Ý tưởng ở đây là nhằm giảm sưng, không chặn hoàn toàn lưu thông máu.
Elevation: Đưa vết bầm lên cao trên tim nếu có thể, chẳng hạn như bầm ở tay thì có thể đưa tay lên cao. Mục tiêu là giúp lượng máu dư thừa rò ra từ các mao mạch lưu thông nhanh hơn.
Sau vài ngày thì bạn có thể chuyển từ chườm đá sang chườm ấm để kích thích lưu thông, từ đó giúp máu bầm mau tan hơn. Hoặc trong đa số trường hợp, cứ để vết bầm tự lành mà không cần phải làm gì.
Dung (Nguoiduatin.vn)