Tại sao chúng ta quên?

31/03/2020 08:00:26

Đôi khi chúng ta quên bẵng mất một sự việc, một người đã gặp. Điều này khiến cho rất nhiều người cảm thấy bối rối, quay lại nghi ngờ sức khỏe bản thân và khó chịu với chính trí nhớ tồi tệ của mình.

Có bốn nguyên nhân chính đằng sau việc chúng ta quên đi một việc nào đó.

Tại sao chúng ta quên?

1. Không thể truy xuất ký ức

Khi chúng ta cần nhớ một thông tin nào đó trong quá khứ, chúng ta cần truy xuất những ký ức về thông tin này trong bộ nhớ dài hạn của chúng ta. Tuy nhiên, con đường nào không có người đi thì sẽ không còn là con đường nữa. Cũng tương tự như vây, những con đường thần kinh dần bị phân rã và biến mất theo thời gian khi những ký ức, đặc biệt là những ký ức chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn hạn, không được lặp lại nhiều lần hoặc không được gợi nhớ lại trước đó. Từ đó, những ký ức mờ dần, chúng không được lưu lại được trong trí nhớ dài hạn của chúng ta. Và, chúng ta quên!

2. Những thông tin không được lưu trữ

Một số thông tin mà chúng ta bắt gặp, thậm chí lặp đi lặp lại, không được lưu trữ vì nó không cần thiết cho bộ nhớ hoặc việc lưu trữ những thông tin này không mang lại ý nghĩa gì cả. Ví dụ: bạn có thể nhớ màu của tòa nhà trên đường đi làm hằng ngày, nhưng bạn sẽ không thể nhớ lại số lượng cửa sổ của ngôi nhà; vì đó là phần thông tin ít liên quan hơn, không cần thiết phải nhớ và do đó chúng không được đưa vào bộ nhớ dài hạn. Đây là nguyên nhân khiến chúng ta quên đi những thông tin này.

3. Ký ức bị nhiễu

Một lý giải khác về việc tại sao chúng ta quên là về cách sắp xếp ký ức của chúng ta. Ký ức của chúng ta cần được phân biệt một cách rõ ràng và được sắp xếp gọn gàng trong bộ nhớ dài hạn của chúng ta. Trong trường hợp những ký ức, địa điểm, khuôn mặt, tên, trải nghiệm tương tự nhau nhưng được lưu trữ cùng nhau, chúng ta khó có thể phân tách chúng rõ ràng để ghi nhớ. Ví dụ, việc nhớ lại chi tiết các sự kiện họp mặt gia đình được tổ chức ở cùng một địa điểm với cùng những thành viên sẽ khó khăn hơn việc ghi nhớ các cuộc họp mặt được tổ chức ở những địa điểm khác nhau mỗi năm.

4. Chúng ta muốn quên đi

Một số ký ức được chúng ta cố ý hoặc vô thức quên đi, đặc biệt là các trường hợp bị tổn thương, đau đớn trong quá khứ. Mặc dù những ký ức này có thể đã được ghi vào bộ nhớ dài hạn, chúng ta có thể giấu chúng đi hoặc hoàn toàn quên đi những ký ức này thông qua các hành vi ức chế có ý thức và ức chế vô thức. Có nhiều cách để truy xuất lại những ký ức này, trong đó có thôi miên. Tuy nhiên, đến nay các khái niệm ức chế có ý thức và ức chế vô thức vẫn còn gây tranh cãi trong lĩnh vực tâm lý học.

Kết luận

Có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta không thể nhớ được một thông tin nào đó, không nhất thiết là do "trí nhớ kém" hơn những người khác. Trong một số trường hợp, bạn hoàn toàn có thể cải thiện việc ghi nhớ bằng cách xác định nguyên nhân tại sao bạn quên đi chúng.

Dung (Nguoiduatin.vn)