Chúng ta có thể chịu được nóng đến mức nào?

30/05/2021 08:00:11

Khả năng chịu nóng của con người thực sự đáng kinh ngạc.

Chúng ta đang trải qua những ngày nắng nóng khắc nghiệt của mùa hè. Cái nóng khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi tới mức tưởng chừng như không thể chịu đựng nổi. Thế nhưng, giới hạn chịu nóng của con người đến đâu?

Không mấy ai trong chúng ta biết về giới hạn chịu nóng của bản thân. Tới Saint Petersburg, nhiều người đã cảm thấy ngột ngạt, khó chịu với cái nóng chỉ 24 độ C.

Thế nhưng ở các nước châu Á, châu Phi gần xích đạo, nhiệt độ cao nhất vào mùa hè có thể đạt tới 50 độ C, vậy mà người dân ở đó vẫn sống rất tốt. 

Đã có người tiến hành thí nghiệm để xác định nhiệt độ cao nhất mà cơ thể người có thể chịu đựng được. Họ nhận thấy trong không khí khô ráo, nếu tăng nhiệt độ thật từ từ thì cơ thể chúng ta chẳng những có thể chịu đựng được nhiệt độ sôi của nước (100° C), mà đôi khi còn chịu được cao hơn nữa, đến 160° C.

Chúng ta có thể chịu được nóng đến mức nào?

Để kiểm chứng khả năng này, 2 nhà vật lý người Anh đã tự chui vào lò nướng bánh mì trong vài giờ đồng hồ… Kết quả thật đáng kinh ngạc, họ vẫn sống sót khỏe mạnh. Kết luận được đưa ra là trong điều kiện lý tưởng môi trường khô ráo, con người có thể chịu được nhiệt độ cao tới 160 độ C. Vì sao lại như vậy?

Con người có 4 cơ chế thoát nhiệt: bức xạ, dẫn truyền, đối lưu và toát mồ hôi. Nhưng khi trời nóng thì 3 cách: bức xạ, dẫn truyền, đối lưu sẽ chỉ làm nhiệt độ cơ thể… tăng lên. Khi đó, theo các chuyên gia, mấu chốt chính là nằm ở mồ hôi.

Chúng ta thường coi chúng là thứ đáng ghét tạo ra mùi cơ thể mà ít khi xem trọng mồ hôi trong vai trò là một chiếc “điều hòa nhiệt độ tự nhiên”. Khi mồ hôi bốc hơi, chúng hút nhiệt lượng ở khu vực không khí xung quanh da, làm vùng khí này có nhiệt độ hạ thấp xuống dưới gần mức nhiệt độ của cơ thể.

Chúng ta có thể chịu được nóng đến mức nào? - 1

Trong điều kiện khô ráo, mồ hôi bốc hơi nhanh hay như bật quạt khi vã mồ hôi sẽ khiến cho ta cảm thấy mát hơn cũng là vì thế. Ngược lại, thời tiết có độ ẩm càng cao mà càng nóng thì càng có hại cho sức khỏe con người.

Điều kiện cần thiết duy nhất giúp cho cơ thể người chịu đựng được nhiệt độ cao là cơ thể người không tiếp xúc trực tiếp với nguồn nhiệt và không khí phải khô ráo. Ở Trung Á, trời nóng 37 độ mà vẫn tương đối dễ chịu. Nhưng nếu ở Saint Peterburg nóng 24 độ thì chúng ta đã cảm thấy khó chịu. Nguyên nhân là độ ẩm không khí ở Saint Peterburg cao, còn ở Trung Á thì rất ít mưa, khí hậu vô cùng khô ráo.

Theo các nhà khoa học, trong điều kiện 60 độ C và độ ẩm rất cao thì chỉ sau khoảng 10 phút, tất cả chúng ta sẽ… chết. Lý do là bởi khi đó, mồ hôi chẳng thể nào bốc hơi được và thân nhiệt chúng ta cứ thế tăng dần, tăng dần cho tới khi vượt quá giới hạn chịu đựng.

TH (Nguoiduatin.vn)