Mới đây, một bài đăng trên mạng xã hội Threads về việc đặt tên cho con lẫn mối quan hệ của mẹ chồng - nàng dâu thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Theo đó, chủ nhân bài đăng cho biết vì vợ chồng hiếm muộn 10 năm nên khi sinh con đầu lòng, bà nội rất vui nên đã tự đặt tên cho cháu mà không bàn bạc lại với các con.
Đáng chú ý, tên của bà nội đặt cho cháu còn có đệm “Thị” khiến mối quan hệ con dâu - mẹ chồng trở nên căng thẳng. Bởi thời đại ngày nay, không ít bố mẹ đã không còn sử dụng cách đặt tên con như ngày xưa là con trai đệm “Văn”, con gái đệm “Thị”. Thay vào đó, họ mong muốn được đặt tên con mỹ miều, thật hay và nhiều ý nghĩa hơn.
Chính vì vậy, bài đăng này trở thành chủ đề khiến nhiều người quan tâm. Có người cho rằng đệm “Thị” cũng không phải quá xấu, nên dĩ hoà vi quý cho gia đình được vui vẻ. Tuy nhiên nhiều người lại cho rằng con của ai thì người đó nên là người tự đặt tên.
Tại sao chữ "Thị" bị hắt hủi?
Khoan bàn đến chuyện gia đình “nhà người ta”, nhiều người bày tỏ sự buồn bã khi thế hệ hiện tại đang không còn thích chữ “Thị” trong tên của con gái. Việc đặt tên theo cách truyền thống như vậy cũng đang dần biến mất, nhường chỗ cho những cái tên đặc biệt, nghe dễ nhớ hơn.
Không ít người cho rằng việc thêm chữ “Thị” vào tên bây giờ nghe không còn hiện đại, cảm giác nặng nề và sợ rằng sau này con sẽ bị trêu chọc. Tuy nhiên, một số netizen lại có quan điểm trái ngược, cho rằng chữ “Thị” là một nét văn hoá đẹp trong cách đặt tên của người Việt Nam.
Ngoài việc phân biệt con trai, con gái thì chữ “Thị” còn mang ý nghĩa là con gái của dòng họ, gửi gắm thông điệp luôn nhớ về gốc gác, cội nguồn của mình. Nhiều phụ huynh cũng cho rằng họ không thấy việc thêm chữ “Thị” vào tên là lỗi thời mà khi đọc đầy đủ lại cảm thấy có phần nữ tính, bay bổng.
- “Không bênh ai nhưng cảm thấy buồn vì chữ “Thị” bị cho là lỗi mốt, không sang. Cá nhân mình lại thấy nó hay và có bản sắc riêng”.
- “Tên có thêm đệm “Thị” thực ra không phải quá xấu đâu. Nếu đọc đầy đủ cả họ tên vẫn thấy nó hay mà. Nhưng có vẻ giờ các phụ huynh trẻ tuổi không còn chuộng nữa”.
- “Mình thấy cái tên có chữ “Thị” nghe vẫn ổn mà, không đến mức phải làm mình làm mẩy, cứ dĩ hoà vi quý cho gia đình vui vẻ”.
Song, một số dân tình cũng cho rằng việc này thuộc về quan điểm, sở thích của cá nhân mỗi người do đó rất khó để áp đặt hay phân bua đúng, sai. Việc người vợ không thích chữ “Thị” do mẹ chồng đặt tên cho cháu cũng là điều dễ hiểu bởi có thể đã chuẩn bị những cái tên khác, mong muốn được đặt cho con.
Mấu chốt vấn đề ở đây thực ra không phải chữ "Thị"
Ngoài việc bàn luận, tranh cãi về chữ “Thị” trong tên thì điều khiến nhiều “nàng dâu” có chung sự thấu hiểu chính là việc ông bà tranh giành đặt tên cho cháu. Thực tế, đây không phải chuyện hiếm gặp trong nhiều gia đình. Thậm chí có những nhà còn từng chia sẻ câu chuyện 2 bên ông bà thông gia giận dỗi nhau chỉ vì bên nội thích tên này, bên ngoại lại mong muốn tên kia.
Tuy nhiên, đông đảo cư dân mạng đều cho rằng con của ai thì nên để vợ chồng đó có quyền quyết định. Ngoài ra trong câu chuyện trên, việc bà nội tự ý đặt tên, không bàn bạc với các con đã là một cách làm không khéo léo, thiếu tinh tế và chắc chắn ai trong trường hợp này cũng sẽ cảm thấy buồn. Bởi hơn ai hết, người mẹ sẽ luôn mong muốn những điều tốt nhất, đẹp nhất và được tự làm cho con của mình.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho hay ông bà nội ngoại có quyền góp ý, gợi ý hay đưa ra những cái tên để tham khảo. Không những vậy, nhìn rộng ra từ chuyện đặt tên, phần đông dân tình cho rằng cuộc sống vợ chồng tốt nhất vẫn nên chỉ 2 người bàn bạc và quyết định với nhau. Ý kiến của người ngoài dù bố mẹ vợ hay bố mẹ chồng chỉ nên dừng ở mức đóng góp, tham khảo và không đi sâu vào cuộc sống riêng tư. Như vậy gia đình mới hạnh phúc, vui vẻ và tránh gặp phải những trường hợp khó xử.
- “Mấu chốt vấn đề ở đây thực ra không phải chữ “Thị” mà là việc bà nội tự ý quyết định tên cho cháu. Người vợ lúc đấy sẽ cảm thấy vô cùng tổn thương vì thứ nhất không được tôn trọng, thứ hai con của mình sinh ra nhưng lại không có quyền được tự quyết”.
- “Mình nghĩ đơn giản, con ai thì người đó đặt tên, ý kiến của mẹ chồng hay bất cứ ai chỉ là tham khảo thôi”.
- “Chán cảnh ông bà tranh giành đặt tên cho cháu, bên nội hay bên ngoại cũng đều vậy cả. Mà 2024 rồi, tốt nhất là con của ai để người đó đặt tên”.
- “Quan điểm của mình là cuộc sống vợ chồng, không nên để đại gia đình can thiệp vào quá sâu bởi bên tình, bên nghĩa rồi cũng dễ dẫn đến lục đục. Hôn nhân nhiều khi cũng chỉ bất đồng chỉ vì một câu nói, thái độ của bố mẹ chồng hay bố mẹ vợ thôi”.
Còn bạn, bạn nghĩ gì về drama này?
Theo Hải My (Phụ nữ số)