Tranh cãi màn 'trả treo' của Gen Z với HR sau buổi phỏng vấn đầy drama

09/05/2024 14:45:39

Nhiều người cho rằng, cả ứng viên lẫn phía nhà tuyển dụng đều thiếu chuyên nghiệp.

Ứng viên Gen Z “cà khịa” HR

Chỉ xoay quanh câu chuyện tuyển dụng nhưng netizen luôn có vô số tình huống để đem ra thảo luận. Mới đây, dân tình đã bàn tán xôn xao về sự việc một ứng viên Gen Z “sửa lưng” HR cũng như cách làm việc của công ty.

Theo đó, người này có buổi phỏng vấn ở công ty vào 15h ngày 9/3 và đã đến đúng hẹn. Tuy nhiên giám đốc đã đến trễ 30 phút mà không có bất kỳ lời xin lỗi nào, chưa kể người toả ra mùi rượu nồng nặc.

Trong quá trình phỏng vấn, giám đốc lặp đi lặp lại nhiều câu hỏi giống nhau. “Trả lời chung thì sếp nói giả, trả lời thật lòng thì không hài lòng”, ứng viên kể lại. Ngoài ra, đang trao đổi thì sếp bỗng dưng gọi con trai vào xem phỏng vấn. Những điều này khiến ứng viên không khỏi khó chịu.

Và cuối cùng, buổi phỏng vấn diễn ra vào ngày 9/3 (thứ 7), HR hứa hẹn sẽ báo kết quả vào đầu tuần sau nhưng không thực hiện mà im lặng. Đến ngày 23/4, HR liên lạc với ứng viên để mời làm việc vì “chị mới chợt nhớ ra”. Lý do cho việc này là sếp đi công tác.

Tranh cãi màn 'trả treo' của Gen Z với HR sau buổi phỏng vấn đầy drama
Ứng viên phàn nàn về cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của sếp
Tranh cãi màn 'trả treo' của Gen Z với HR sau buổi phỏng vấn đầy drama - 1
HR giải thích lý do phản hồi chậm

Nhưng điều đáng nói là cách đối đáp của ứng viên cũng không phải dạng vừa. Người này dùng những câu cà khịa và sửa lưng HR lẫn công ty như:

“Sáng nay mới mở điện thoại ra thấy tin nhắn chị tự nhiên em vui quá nè! Vui mà không đến lúc nào hết được chị!”.

“Sếp chị bận đi công tác 1 tháng trời luôn hẻ?”.

“Cái gì mà ngộ nghĩnh vậy ta?”.

“Làm ăn thiếu chuyên nghiệp thì đừng có đăng tuyển dụng rồi làm ba cái chuyện mắc cười đó với em nhen. Em khuyên chân thành á! Có không giữ mất tiếc ghê”.

“Bên chị có tất cả, mọi người nhân viên rất vui tính nhưng thiếu mỗi sếp”.

Cuối cùng ứng viên từ chối nhận lời mời làm việc còn HR gửi lời cảm ơn vì đã chia sẻ và khép lại câu chuyện.

Tranh cãi màn 'trả treo' của Gen Z với HR sau buổi phỏng vấn đầy drama - 2
Cả 2 bên đều có điểm chưa chuyên nghiệp

Ngay lập tức, bài đăng nhanh chóng thu hút sự chú ý từ cư dân mạng, thu hút hàng nghìn lượt bình luận. Về cơ bản, các ý kiến được chia thành 2 luồng cơ bản: một bên chỉ trích cách ứng xử của ứng viên và một bên ủng hộ quyết định của người này.

Những người không đồng tình với ứng viên cho rằng ứng viên thích hơn thua và thiếu tôn trọng nhà tuyển dụng. Cách nhắn tin của ứng viên cũng có phần dạy đời người khác dù mới đang trong quá trình phỏng vấn.

- Tuyển nhân viên mà tưởng đâu tuyển về làm sếp đó.

- Không biết trình độ năng lực cao cỡ nào mà thấy cách nói chuyện khó chịu thật sự.

- Đây là văn hoá, cách cư xử, level của mình. Dài dòng lan man cũng chả được việc gì. Đã bước chân ra ngoài đi làm thì kiếm tiền, không kiếm chuyện.

- Đi xin việc thì ép cái tôi mình lại, chưa là gì cả thì đừng nghĩ mình quan trọng tới mức công ty phải đi tìm mình.

- “Em tìm được việc khác rồi/ Em thấy công ty mình không phù hợp với em lắm”. Đơn giản thế thôi là xong.

Tranh cãi màn 'trả treo' của Gen Z với HR sau buổi phỏng vấn đầy drama - 3
Ảnh minh hoạ

Ngược lại, nhiều người nhận xét công ty cũng thiếu chuyên nghiệp, làm việc không uy tín và thấy ứng viên từ chối là đúng. Một số bình luận ủng hộ ứng viên:

- Trong trường hợp này xin là đứng về phía Gen Z nhé! Sự thiếu chuyên nghiệp của công ty gia đình làm lỡ dở công việc, cơ hội của người ta, đồng cảm vô cùng.

- Ngay bước đầu công ty đã mất uy tín rồi. Ủng hộ bạn từ chối. Đi làm thuê thì cũng cần chọn nơi xứng đáng thì bản thân mình mới phát triển được.

- Ứng viên hơi nóng tính nhưng không sai gì cả. Công ty không chuyên nghiệp thế này chỉ mất thời gian công sức người ta.

Ngoài ra nhiều người cũng cho rằng cả công ty lẫn ứng viên đều có điểm chưa chuyên nghiệp. Đây cũng quan điểm của ông Lê Anh Tú - Giám đốc công ty truyền thông iGEM kiêm giảng viên khoa Quan hệ công chúng - truyền thông trường ĐH Văn Lang về sự việc.

Cụ thể, phía công ty đã đưa ra cách phỏng vấn không uyển chuyển. Họ cũng có vấn đề bởi không liên lạc với ứng viên trong suốt một tháng. Thậm chí, ứng xử của người sếp cũng thiếu khéo léo. Trước khi trách nhân viên, họ nên hoàn thành đúng trách nhiệm của mình.

Với cách cư xử của ứng viên Gen Z, ông Tú cho rằng có thể thông cảm nhưng “cả hai đều có trách nhiệm và công ty có trách nhiệm lớn hơn”.

Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng văn hóa doanh nghiệp rất quan trọng, giúp cả nhà tuyển dụng và ứng viên có thiện cảm về nhau trong buổi ban đầu. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần có hướng xử lý chuyên nghiệp để tuyển dụng được nhân sự Gen Z.

Còn bạn, bạn nghĩ sao về tình huống này?

Theo Song Nam/S.A (Phụ Nữ Số)