Chị dâu và anh trai tôi quen biết từ thời đại học. Anh chị đúng kiểu đồng cam cộng khổ, yêu nhau từ lúc trắng tay đến khi có tất cả.
Bố mẹ tôi từng ngăn cản anh chị kết hôn với lý do không hợp tuổi. Tuy nhiên, cả hai đã nắm tay nhau vượt qua mọi rào cản.
Anh chị tự tiết kiệm để tổ chức lễ cưới, rồi xây nhà, mua xe ô tô. Trải qua 8 năm hạnh phúc, hai người lần lượt chào đón 2 con gái xinh xắn.
Đầu năm 2022, anh tôi ốm nặng, phải đưa ra Hà Nội chạy chữa. Bác sĩ tiến hành xét nghiệm đủ kiểu thì phát hiện anh mắc ung thư.
Nhận kết quả, chị dâu khóc hết nước mắt. Chị tự trách bản thân không nghe lời người lớn khiến anh lâm bệnh hiểm nghèo.
Tôi động viên, khuyên chị không nên dằn vặt bản thân. Bởi bệnh tật của anh đâu bắt nguồn từ việc không hợp tuổi. Tôi hy vọng chị mạnh mẽ, trở thành chỗ dựa cho chồng và các con.
Sau lần đó, chị thay đổi hoàn toàn, như một con người mới. Chị vực dậy tinh thần, giúp anh tôi cảm thấy an tâm điều trị bệnh.
Những lúc anh đau đớn, chị thường hát ru và vỗ về như con trẻ. Chị không nhờ cậy anh em trai, tự mình túc trực, chăm sóc chồng trong những đợt nhập viện điều trị.
Để chữa bệnh cho anh, chị sẵn sàng bán ô tô, cầm cố nhà cửa. Sau 1 năm, tài sản khánh kiệt, sức khỏe của chị cũng hao mòn.
Tuy nhiên, bệnh tình anh tôi không thuyên giảm. Tết năm 2023, anh tôi qua đời trong vòng tay tiếc thương của vợ con.
Ngày anh mất, chị bình tĩnh đến lạ, chuyện lớn chuyện nhỏ đều chu toàn. Lo xong hậu sự cho anh, chị dẫn 2 con đến gặp bố mẹ tôi để xin phép bán nhà.
Bố mất sớm, mẹ chị sống cảnh già đơn chiếc. Thế nên, chị muốn về sống bên ngoại để tiện bề chăm mẹ.
Hiểu cảnh nhà thông gia, bố mẹ tôi đồng ý và căn dặn chị nhớ đưa cháu về thăm nội.
Mấy tháng sau, chị bán nhà, trả nợ và biếu bố mẹ tôi một ít dưỡng già. Với số tiền còn lại, chị mở cửa hàng tạp hóa bên nhà ngoại.
Nhà mẹ chị cách nhà tôi khoảng 1km. Mỗi ngày, tôi qua lại mấy lượt đều nhìn vào hàng tạp hóa của chị. Thấy tôi, chị vẫy tay chào, gương mặt tiều tụy cố gượng cười.
Thỉnh thoảng, tôi ghé qua thăm hoặc rước cháu về chơi bên nội. Gặp tôi, chị lại có dịp trút bầu tâm sự. Chị bảo, chị nhớ anh nhiều. Đêm nào, chị cũng nằm mơ thấy anh gọi. Lắm lúc buồn tủi, chị muốn theo anh. Nhưng nghĩ đến 2 con còn nhỏ, chị lại gắng gượng.
Tôi khuyên chị chớ nghĩ dại mà tội cho mấy đứa nhỏ. Nghe tôi nói, chị cười rồi vỗ vai tôi: “Em cứ yên tâm”.
Thoáng chốc, anh tôi mất cũng gần tròn năm. Chị dâu vẫn chưa nguôi ngoai nhớ thương người chồng vắn số.
Ba tháng gần đây, tôi phát hiện có đôi dép đàn ông đặt cạnh dép chị trước cửa nhà. Dẫu biết anh mình đã mất, chị có quyền mở lòng với người khác. Nhưng, tôi vẫn thấy lăn tăn, khó chịu.
Vì mới đây thôi, chị còn khóc lóc, nói nhớ thương chồng. Nghĩ đến đó, tôi thấy như bị lừa và cho rằng chị dâu thật giả tạo.
Tôi quyết tâm “bắt quả tang” để chị ngừng đóng kịch trước mặt em chồng. Trưa hôm đó, tôi xin nghỉ làm ca chiều và về thẳng nhà chị dâu.
Đến nơi, tôi thấy có đôi dép đàn ông trước cửa như mọi ngày. Tôi vội bước thật nhanh vào bên trong.
Dù chuẩn bị sẵn những câu đay nghiến nhưng tôi không có cơ hội thốt ra. Trước mắt tôi, chị dâu cùng mẹ và 2 con gái ngồi quanh mâm cơm đơn sơ. Tôi nhìn quanh, không thấy đàn ông trong nhà.
“Trước nhà có đôi dép đàn ông, em cứ tưởng bố mẹ sang thăm cháu”, tôi cố nói cười để chữa thẹn trong lòng.
Chị dâu vô tư giải thích: “Mấy nay, một ông trong xóm cứ sang làm phiền. Chị bực quá, mua ngay đôi dép đàn ông để trước nhà. Ông tưởng chị có người yêu nên không mò đến nữa”.
Nói xong, chị chạy xuống bếp lấy bát, gọi tôi vào ăn cơm. Tôi vừa ăn vừa nghẹn ngào, nước mắt ứa ra.
Chị dâu thắc mắc, tôi lại chối: “Cơm nóng làm em cay mắt”.
Theo PV (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/den-nha-bat-qua-tang-chi-dau-em-chong-nghen-long-khi-biet-su-that-2350040.html