Việc kèm con học luôn là một vấn đề khiến phụ huynh đau đầu, nhưng khi con làm đúng bài tập, được điểm cao thì cảm giác thành công đó cũng là khoảnh khắc tự hào của cha mẹ. Ngay từ bậc tiểu học, học sinh đã bắt đầu có nhiều dạng bài tập đòi hỏi phải tư duy, mang tính hóc búa, điều này khiến nhiều phụ huynh gặp phải thử thách khi đồng hành kèm con học bài.
Anh Lưu, một phụ huynh đang có con học tiểu học tại Trung Quốc đã đăng tải câu chuyện về bài toán của con lên MXH. Con của anh từ khi nhập học đến nay, thành tích luôn đứng đầu lớp, lời khen ngợi của giáo viên khiến vợ chồng anh rất tự hào về con, do đó anh luôn dành nhiều thời gian để cùng con học.
Việc kèm cặp con học bài đôi khi cũng là khó khăn với anh Lưu. Anh rất coi trọng mỗi kỳ thi của con. Tuy nhiên, trong một kỳ thi toán, con của anh lại không đạt điểm tối đa vì làm một bài toán bị sai.
Nội dung đề bài của bài toán đó như sau: Trong lớp học có 12 cái đèn, tắt đi 3 cái đèn, hỏi trong lớp học còn lại bao nhiêu cái đèn?
Con của anh Lưu trả lời: 12 - 3 = 9 (cái)
Anh Lưu nhìn thấy câu trả lời như vậy và thấy giáo viên đã đánh dấu sai bằng một dấu gạch màu đỏ, vì thế anh rất tức giận. Anh cho rằng con đã làm đúng bài toán này nhưng bị cô giáo gạch sai. Anh rất bức xúc, liền tìm giáo viên để hỏi lý do. Anh Lưu nói với giáo viên: "Tại sao cô giáo lại chấm sai câu này cho con tôi?".
Giáo viên đối mặt với sự chất vấn của phụ huynh, khuôn mặt đầy vẻ bất lực. Cô giáo bình tĩnh, giải thích với phụ huynh rằng: "Đây là một bài toán chủ yếu để kiểm tra khả năng tư duy logic của học sinh. Mong phụ huynh đọc kỹ câu hỏi, yêu cầu đề bài đưa ra. Lớp học có 12 cái đèn, tắt đi 3 cái đèn, hỏi là trong lớp học còn bao nhiêu cái đèn, khi tắt đèn thì đèn không sáng nhưng số lượng đèn vẫn còn nguyên, đáp án vẫn là 12 cái đèn. Câu hỏi trong đề là lớp học còn bao nhiêu cái đèn chứ không phải là số cái đèn đang sáng còn lại. Vậy nên đáp án đúng là còn 12 cái đèn".
Biết được đáp án này, anh Lưu rất lúng túng, xấu hổ vì đã tức giận với cô giáo, nghĩ cô giáo chấm sai cho con mình. Nhiều người cho rằng câu hỏi này sẽ giúp kiểm tra khả năng tư duy, ứng dụng vào thực tế của học sinh. Bên cạnh đó, những bài toán này cũng có tác dụng hình thành thói quen cẩn thận, thúc đẩy học sinh nghĩ ra các hướng giải bài toán khác nhau, từ đó nâng cao khả năng tư duy, hiệu quả học tập của trẻ.
Còn bạn thì sao, bạn thấy bài toán suy luận trên có phù hợp với học sinh tiểu học hay không?
Theo Minh Nguyệt (Nguoiduatin.vn)